Chiến sự thất bại khi cố sử dụng khí cầu mang vũ khí

Các lực lượng Nga tăng sử dụng khinh khí cầu và bắn hạ các khinh khí cầu không người lái của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Khí cầu tự sát Ukraine bị Nga bắn hạ hôm 27/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga đã phá hủy 37 khinh khí cầu của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Andrey Koshkin, một học giả kỳ cựu người Nga chuyên về quân sự và các vấn đề quốc tế, nói rằng những vật thể này thường được trang bị cái gọi là tấm phản xạ góc được thiết kế để giúp khinh khí cầu duy trì chế độ tàng hình trước radar và phát hiện hệ thống phòng không của đối phương.

"Những quả bóng bay này cũng sẽ giúp giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc cung cấp phòng thủ theo lớp nếu chúng nằm cách biên giới hoặc tiền tuyến 20-30 km để không thể bị phá hủy", chuyên gia Koshkin nói.

Theo chuyên gia Nga, ưu điểm chính của những khinh khí cầu hiện đại này là chúng có thể được gắn các trạm radar tiên tiến và các tấm phản xạ tín hiệu radar khiến chúng khó bị phát hiện hơn.

Ông nói thêm rằng đối với Nga, nước này đã đối phó các khinh khí cầu của Ukraine một cách hiệu quả bằng cách sử dụng các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử tinh vi.

Koshkin cũng đồng quan điểm với nhà quan sát quân sự và nhà phân tích chính trị kỳ cựu người Nga Evgeny Mikhailov, người nói với thông tấn RIA rằng khinh khí cầu Ukraine trở thành mục tiêu dễ dàng của quân đội Nga, đặc biệt là vì những vật thể này không có người lái.

"Vì vậy, tôi nghĩ lực lượng Nga sẽ tiếp tục bắn hạ thành công bất kỳ khinh khí cầu nào của Ukraine ngay cả khi chúng được coi là vô hình. Trong mọi trường hợp, đây là thiết bị vô vọng trong cuộc xung đột của Ukraine chống lại Nga", nhà phân tích chỉ ra.

Về mục đích, khinh khí cầu cũng có thể được sử dụng để theo dõi thời tiết và cho mục đích trinh sát, Mikhailov kết luận, đồng thời nhắc lại rằng lực lượng Ukraine đã không thành công khi cố gắng sử dụng các vật thể này thành phương tiện tấn công.

Theo Kyiv Post, quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng khí cầu mang theo thiết bị nổ để tập kích lực lượng Nga trên tiền tuyến từ cuối tháng 4/2024.

Những khí cầu này được trang bị thiết bị định vị GPS, bộ điều khiển, chấn lưu, thiết bị nổ và nguồn điện. Tổ vận hành nhập sẵn tọa độ mục tiêu vào bộ điều khiển trên khí cầu trước khi triển khai nó ra tiền tuyến.

Giới chuyên gia Nga nhận định gần như không thể tấn công mục tiêu một cách chính xác bằng phương pháp này, song vẫn cho rằng đây là mối đe dọa lớn, vì khí cầu tự sát có thể bay ở độ cao rất lớn nên khó bị bắn hạ.

Họ cũng cho biết loại khí cầu này từng vài lần làm rơi chất nổ khi bay qua các ngôi làng ở khu vực biên giới, khiến một số người bị thương.

Báo Ukraine cho biết thêm, lực lượng Nga đã triển khai khí cầu lắp thiết bị phản xạ radar, kết hợp với máy bay không người lái (UAV) để tập kích ba tỉnh Kharkov, Dnipro và Poltava trong những ngày qua.

Các khí cầu này được dùng để đánh giá chủng loại radar mà đối phương sử dụng, đồng thời có thể đóng vai trò mồi bẫy trong tác chiến, tạo ra nhiều mục tiêu giả trên radar, bảo vệ khí tài có giá trị cao hoặc gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn của lực lượng phòng không Ukraine.

Clip lực lượng Nga bắn chìm 5 xuồng tấn công không người lái của Ukraine.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-su-that-bai-khi-co-su-dung-khi-cau-mang-vu-khi-post682817.html