Chiến sĩ Điện Biên viên mãn bên con cháu

72 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (chiến sĩ) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó còn khoảng 20 chiến sĩ đang sống vui bên con cháu trong gia đình ở Bình Thuận.

Bà Bố Thị Xuân Linh hỏi thăm sức khỏe bà Từ Thị Thảo.

Ngoài những chiến sĩ đã về thế giới bên kia với đồng đội, thì những người còn lại hầu hết cũng ở tuổi gần đất xa trời, với chân đã chậm, tai đã nặng, nhớ nhớ, quên quên. Song vẫn còn những chiến sĩ còn minh mẫn như ông Dương Quang Trung (92 tuổi), người đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, đang sống vui với con, cháu ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh. Ông vui cười nói: “Chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ rất dài, chỉ có thể ngắn gọn là ông rất tự hào vì được tham gia chiến dịch và vui khi thấy các thế hệ con cháu hôm nay khắc ghi công ơn của cha ông đi trước, không ngừng nỗ lực cống hiến sức trẻ bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước”.

Với bà Từ Thị Thảo, 89 tuổi ở thị trấn Võ Xu hồi tưởng, năm 1953 vừa tròn 17 tuổi làm Bí thư Xã đoàn Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, tham gia chiến dịch Thượng Lào. Sau đó làm dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến để bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hiện bà đã có 20 đứa cháu, 3 chắt. Bà vui mừng cho biết, con cái ở xa, nhưng đều quan tâm chăm lo cho cha mẹ đến nơi đến chốn.

Chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)

Tất cả các chiến sĩ ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến dịch Điện Biên Phủ, với một tinh thần mãnh liệt, không sợ máy bay, bom đạn địch, ngày đêm bám sát trận địa, bám sát nhân dân.

Trong mưa bom, bão đạn cùng những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, các chiến sĩ vẫn sáng tạo ra bao phương thức độc đáo để xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn, các vật cản trên đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương. Nhiều vật chất tại chỗ như tre, nứa, bè mảng, sức kéo của trâu, bò, ngựa cùng các yếu tố tự nhiên được dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong khai thác triệt để, góp công sức lập nên nhiều chiến tích phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta. Đây là trận đánh trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.

Ông Dương Quang Trung (trái) trò chuyện với Phó Bí thư Huyện ủy Đức Linh.

Huân chương kháng chiến hạng nhì.

Sống vui với con cháu trong gia đình.

70 năm đã trôi qua, những ký ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ. Phát huy tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của Điện Biên Phủ, họ tiếp tục đem nhiệt huyết, sức lực và trí tuệ dựng xây đất nước. Cụ thể là gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phong trào tại địa phương; giữ gìn truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, giáo dục thế hệ con cháu luôn tự hào, noi theo các thế hệ cha ông đi trước.

Cuộc gặp gỡ, tri ân các chiến sĩ vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ hàng năm của lãnh đạo các cấp thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công đóng góp cho chiến dịch, làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm 2024, năm kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bình Thuận đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm các chiến sĩ. Trong đó có đoàn đi thăm ở huyện Đức Linh do bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dẫn đầu. Tại các điểm đến bà bày tỏ vui mừng với tuổi già viên mãn bên con, cháu của các chiến sĩ và tin tưởng vào các gia đình chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ mãi tinh thần “Chiến sĩ Điện Biên” năm xưa, tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, quan tâm, chăm sóc người có công và gia đình chính sách.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chien-si-dien-bien-vien-man-ben-con-chau-118645.html