Chiếm hơn 90% thành phố Stalingrad, tại sao quân Đức vẫn thua?

Trận quyết chiến Stalingrad giữa Quân đội Liên Xô và Quân đội Đức quốc xã trong Thế chiến 2, đã làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến; nhưng ít ai biết rằng, quân Đức đã chiếm hơn 90% diện tích thành phố Stalingrad.

Chiến dịch Stalingrad diễn ra từ tháng 8/1942 đến ngày 2/2/1943; được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng và bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong Thế chiến 2, thậm chí là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới trong thế kỷ XX.

Trận Stalingrad chắc chắn là một chiến lệ, phản ánh rõ nhất giữa tấn công và phòng ngự giữa Quân đội Liên Xô và Đức trên Mặt trận phía Đông của Thế chiến II. Và nghĩa trang khổng lồ này, nơi chôn cất hàng trăm nghìn người, cũng trở thành cơn ác mộng kéo dài đối với những cựu binh Đức, từng tham chiến tại đây.

Tại sao quân đội Đức, với chiến thuật tiên tiến nhất của châu Âu và thế giới khi đó là "Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng)" và khả năng phối hợp tốt trên không, lại liên tục gặp bất lợi trong các trận chiến đấu trong thành phố?

Kể từ khi quân Đức tiến hành bao vây thành phố, áp lực lên quân đội Liên Xô ngày càng gia tăng. Ba tháng sau, quân Đức thậm chí đã chiếm được đến 97% thành phố. Lúc này chỉ còn một nhóm nhỏ quân đội Liên Xô, kiên cường bám trụ chiến đấu và trong vòng vây quân Đức.

Nhưng do tư tưởng nóng vội và chủ quan khinh địch, đặc biệt là không hiểu rõ về chiến đấu đường phố và chiến tranh đô thị, nên quân Đức cuối cùng đã bị quân đội Liên Xô đánh bại tại đây. Nên nhớ, chiến dịch Stalingrad cũng là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới, với con số thương vong của hai bên lên đến hơn 2 triệu người.

Dưới sự lãnh đạo xuất sắc của Trung tướng Chuikov, Quân đội Liên Xô đã tổ chức chiến đấu cầm chân quân Đức bằng những trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội hiện có; đồng thời tổ chức lại chúng thành các "nhóm tác chiến", với số lượng một nhóm lớn nhất là khoảng chục người.

Các loại vũ khí bộ binh của các "nhóm tác chiến" Quân đội Liên Xô tại Stalingrad, ngoại trừ súng trường Mosin Nagant được sử dụng bởi các tay súng bắn tỉa, hầu như tất cả mọi người đều được trang bị vũ khí tự động hoặc bán tự động và súng máy.

Trang bị chiến đấu quan trọng nhất trong chiến đấu đường phố là cường độ hỏa lực. Những khẩu tiểu liên PPSh-41 và súng trường bán tự động SVT-40, được trang bị cho tất cả các "nhóm tác chiến" của Quân đội Liên Xô, đã khiến quân Đức phải đau đầu.

Ở thành phố Stalingrad, nơi chỉ toàn là đống đổ nát và hoang tàn, và những khẩu tiểu liên PPSh-41 là một cơn ác mộng với quân Đức tại đây. Trong khi đó, hỏa lực của súng tiểu liên MP40 mà lính biệt kích Đức sử dụng, không thể bằng khẩu PPSh-41 với hộp tiếp đạn hình trống đến 71 viên; trong cuộc đối đầu thông thường, PPSh-41 sẽ nhanh chóng chế áp MP-40.

Chất lượng của súng tiểu liên trong cận chiến có thể quyết định nhóm chiến đấu này có thể trút bao nhiêu hỏa lực. Súng tiểu liên PPSh-41 mà quân đội Liên Xô sử dụng, trên lý thuyết có thể bắn 900 viên đạn trong một phút, chế áp hoàn toàn khẩu MP-40, với tốc độ bắn chỉ 550 viên/phút.

Đống đổ nát của đường phố cũng là nơi trú ẩn rất tốt cho những chiến sĩ Hồng quân cố thủ, điều mà những kẻ xâm lược đi lại trong đống đổ nát, không hề biết là khả năng cao sẽ có một khẩu súng máy, hoặc súng tiểu liên tốc độ bắn cao, nấp ở trong góc tối, đang ngắm bắn và sẵn sàng nhả đạn về phía anh ta.

Bên cạnh đó là hỏa lực súng máy, mặc dù tốc độ bắn của khẩu trung liên DP-27/28 của Quân đội Liên Xô, kém hơn nhiều so với khẩu MG34 của Đức, nhưng hỏa lực của nó vẫn có thể dễ dàng trấn áp đặc công quân Đức, đang mang theo chất nổ và cố gắng phá hủy tòa nhà.

Ngược lại, mặc dù trang bị của đặc công Đức trong chiến dịch Stalingrad cũng có vũ khí tự động, nhưng họ không có nhân lực hùng hậu như quân đội Liên Xô và lực lượng đặc công của quân Đức, cũng không thực sự là lực lượng mạnh.

Ngoài ra, quân Đức thường ném lựu đạn khói để che mắt quân Liên Xô, giúp lực lượng đặc công tiếp cận và đột nhập mục tiêu; nhưng khi những người lính biệt kích này tiến vào tòa nhà có quân Liên Xô cố thủ, thì đã gặp ngay làn súng máy dữ dội bắn găm, bắn gần tại lối vào.

Điều quan trọng là những người lính Liên Xô nắm rõ địa hình Stalingrad, nên thường có khả năng tống những "vị khách không mời" này “xuống địa ngục”. Mặc dù quân Đức sẽ nã pháo vào các ngôi nhà có Hồng quân Liên Xô, nhưng chỉ tạo thêm tàn tích và khiến việc giải quyết trở nên khó khăn hơn.

Cùng với lực lượng chiến đấu kiên cường cầm chân quân Đức trong thành phố, thì ở vòng ngoài, vào ngày 19/11/1942, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch “Sao Thiên Vương”, bằng tổ chức tấn công vu hồi gồm hai gọng kìm, đánh vào cạnh sườn của Tập đoàn quân số 6 (Đức Quốc xã) đóng tại Stalingrad.

Đòn tấn công này đã hoàn toàn thay đổi cục diện của trận đánh; cạnh sườn yếu kém của quân Đức nhanh chóng sụp đổ và 33 vạn quân của Tập đoàn quân 6 bị bao vây trong nội thành Stalingrad. Khi mùa đông đến, cái đói, cái lạnh khủng khiếp và những đợt tấn công liên tục của Hồng quân Liên Xô, đã làm suy kiệt nhanh chóng quân Đức tại Stalingrad.

Tuy nhiên mệnh lệnh “không được đầu hàng” của Thống chế Hitler, do niềm tin vào "sức mạnh ý chí", vấn đề danh dự nước Đức cùng các tính toán chiến lược khác, đã buộc lực lượng quân Đức tại Stalingrad phải tiếp tục cố bám trụ, mà không được tự ý phá vây.

Vào tháng 12/1942, quân Đức tại Stalingrad đã mở Chiến dịch “Bão Mùa đông”, nhằm giải cứu đội quân bị bao vây trong thành phố nhưng thất bại, và theo sau đó là toàn bộ hệ thống tiếp vận cho khối quân bị vây, cũng sụp đổ theo.

Đầu tháng 2/1943, sức kháng cự của khối quân này hoàn toàn bị dập tắt và Tập đoàn quân số 6 bị tiêu diệt hoàn toàn vào ngày 2/2/1943. Đối với nước Đức đang ở “trên đỉnh” của thế giới khi đó, trận thua này là “tin xấu nhất” của họ. Về phần mình, Hồng quân Liên Xô cũng đã phải chịu tổn thất vô cùng lớn trong chiến thắng quyết định này.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/chiem-hon-90-thanh-pho-stalingrad-tai-sao-quan-duc-van-thua-1751772.html