Chìa khóa thúc đẩy phát triển nông thôn

Ðể tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận chuyển, việc áp dụng mạng lưới logistics (hệ thống tổ chức vận chuyển, giúp dòng chảy sản phẩm đến đúng địa điểm, đúng thời gian và an toàn) ở các vùng nông thôn trở nên cực kỳ quan trọng, mang lại nhiều lợi ích đáng kể và được xem là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Nguyễn Văn Sang, Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, có nghề trồng củ cải. Ông chia sẻ: "Trước đây, việc vận chuyển củ cải của tôi từ huyện ra các tỉnh lân cận để bán rất khó khăn và tốn kém. Tôi phải tự vận chuyển bằng xe tải, thường xuyên gặp tình trạng ùn tắc giao thông và hư hỏng. Nhờ có sự phát triển của mạng lưới logistics, giờ đây tôi có thể dễ dàng kết nối với các công ty vận tải và thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, giá bán củ cải cao hơn so với bán cho thương lái, thu nhập cũng tăng lên".

Ông Nguyễn Văn Sang phấn khởi khi giảm được nhiều chi phí và tăng thêm lợi nhuận khi ứng dụng công nghệ logistics.

Ông Nguyễn Văn Sang phấn khởi khi giảm được nhiều chi phí và tăng thêm lợi nhuận khi ứng dụng công nghệ logistics.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hợp tác xã Cua Năm Căn, huyện Năm Căn, cho biết: “Hợp tác xã thường xuyên phải vận chuyển cua đến các tỉnh ngoài để bán. Mạng lưới logistics đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian vận chuyển được rút ngắn. Giờ đây, hợp tác xã của tôi có thể theo dõi hành trình của sản phẩm cua qua điện thoại và đảm bảo rằng chúng được vận chuyển trong điều kiện tốt nhất. Khách hàng cũng có thể dễ dàng đặt hàng trực tuyến và nhận hàng ngay tại cửa hàng”.

Sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc cải thiện mạng lưới logistics ở các vùng nông thôn, vì khi sử dụng phần mềm quản lý vận tải giúp việc quản lý thông tin đơn hàng, theo dõi hành trình vận chuyển, tối ưu hóa tuyến đường và tiết kiệm chi phí. Các phần mềm quản lý vận tải như: Logix, VietMap Logistics, TMS Cloud giúp quản lý đơn hàng, theo dõi vị trí xe, tối ưu hóa lộ trình, lập hóa đơn tự động...

Song song đó, ứng dụng công nghệ IoT giúp theo dõi vị trí và tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển, đảm bảo an toàn và chất lượng hàng hóa. Các thiết bị IoT như cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, camera giám sát giúp theo dõi điều kiện bảo quản hàng hóa trong suốt hành trình, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng tiêu chuẩn.

Và không thể bỏ qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống AI có thể dự đoán nhu cầu vận chuyển dựa trên dữ liệu lịch sử, dữ liệu thị trường, dữ liệu thời tiết... giúp doanh nghiệp logistics chủ động sắp xếp nguồn lực và đưa ra các giải pháp vận chuyển phù hợp. Bên cạnh đó, thu thập và phân tích dữ liệu từ các hoạt động logistics có thể cung cấp thông tin quan trọng để tối ưu hóa kế hoạch vận chuyển, dự báo nhu cầu, giúp tăng cường hiệu quả, giảm chi phí.

Công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn, đúng thời gian và địa điểm.

Công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn, đúng thời gian và địa điểm.

“Tạo kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thị trường và bán hàng hiệu quả hơn. Các nền tảng thương mại điện tử như: Sendo, Tiki, Lazada, Shopee kết nối người bán với người mua, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bán hàng như marketing, quảng cáo, vận chuyển, thanh toán... Ngoài ra, nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm”, ông Lê Văn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Nin Sing Logistics chi nhánh Cà Mau, cho hay.

Ðồng thời, công nghệ Blockchain giúp ghi lại thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản hàng hóa, giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin sản phẩm một cách dễ dàng và tin cậy.

Bà Châu Mỹ Tân, đại diện Công ty TNHH Han-Be Logistics (Phường 5, TP Cà Mau), cho biết: “Ðể ứng dụng công nghệ hiệu quả vào logistics nông thôn, cần phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về công nghệ và logistics. Cần có các chương trình đào tạo bài bản về logistics và công nghệ cho người dân tại các vùng nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành logistics”.

Việc áp dụng mạng lưới logistics ở nông thôn là giải pháp thiết yếu để thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn phát triển bền vững. Do đó, cần có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống người dân./.

Việt Mỹ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chia-khoa-thuc-day-phat-trien-nong-thon-a32194.html