Chỉ số PAPI của TP HCM: Nhìn từ yếu tố khách quan và chủ quan

Chỉ số PAPI công bố cho thấy tỉ lệ người muốn đến sinh sống ở TP HCM cao nhất (21,68%), sau đó là Hà Nội (15,1%), Đà Nẵng (11, 34%).

Có đến 40,68% số người được hỏi muốn đến sinh sống ở TP HCM vì muốn "đoàn tụ gia đình". Tỉ lệ khá cao này phản ánh tình trạng di cư và nhập cư trong lịch sử của TP HCM, nguyện vọng ấy không mang nhiều ý nghĩa của chỉ số nói về "chất lượng sống".

Về chỉ số 21,8% muốn đến TP HCM vì cho rằng có việc làm tốt hơn. Chỉ số này phản ánh đúng vị thế và sức sống kinh tế mạnh mẽ của thành phố. Là đầu tàu kinh tế của cả nước thì đương nhiên thành phố là nơi có rất nhiều việc làm, dành cho mọi đối tượng từ trình độ thấp nhất đến cao nhất.

Hầu như tất cả các loại công việc có thể kiếm sống đều có ở TP HCM, ai cũng có thể kiếm ra việc làm. Thành phố như một cục nam châm rất lớn, có sức hút rất mạnh về cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế xã hội rất đa dạng, phức tạp như thế cũng tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn so với các đô thị nhỏ hơn. Do đó, chỉ số về việc làm cũng chưa mang nhiều ý nghĩa về chất lượng sống ở đô thị.

Về chỉ số 17,4% cho rằng TP HCM có môi trường tự nhiên tốt hơn. Về khí hậu, TP HCM khá ổn định với hai mùa mưa - nắng khá rõ ràng, không khó đoán và không thay đổi bất thường.

Về cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan đô thị, TP HCM là đô thị rất đẹp với sắc thái đậm nét của vùng sông nước. Tuy nhiên, nếu nói về mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm mặt đất và mặt nước thì TP HCM luôn ở mức cao hơn so với các đô thị nhỏ hơn.

TP HCM cũng thường xuyên quá tải về khả năng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Thành phố cũng thường xuyên phải đối phó tình trạng triều cường, khi đến mùa mưa thì có rất nhiều điểm ngập sâu và kéo dài…

Về môi trường xã hội, TP HCM phức tạp hơn rất nhiều vì các thành phần tệ nạn xã hội luôn tìm về nơi đông người để hoạt động.

Tóm lại, chỉ số PAPI ở TP HCM phản ánh sự khác nhau về điều kiện khách quan và chủ quan của thành phố nhưng chưa phản ánh hết các khía cạnh về "chất lượng sống". Nếu phản ánh đúng khái niệm "thành phố đáng sống" thì phải có đủ các nội dung về tính chất văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chi-so-papi-cua-tp-hcm-nhin-tu-yeu-to-khach-quan-va-chu-quan-196240513204837066.htm