Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 - Thanh Hóa tăng 17 bậc so với năm 2022

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Thanh Hóa đạt 66,79 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố (tăng 17 bậc so với năm 2022).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Vị trí xếp hạng Chỉ số CPI năm 2023 của các địa phương nằm trong Top 30.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của các địa phương trên cả nước, Thanh Hóa đạt 66,79 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố (tăng 17 bậc so với năm 2022). Với 71,25 điểm, Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí số 1, các vị trí tiếp theo là Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế...

Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, thì vùng Đồng bằng Sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp đó là các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).

Như vậy, đây là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PCI và năm thứ 11 nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm.

Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh. Đây là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu, trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

PCI năm 2023 không công bố thứ hạng của nửa cuối bảng xếp hạng. Mục tiêu được lý giải là nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI hằng năm. Trong khi đó, Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa là các gương mặt mới của Top 30 so với lần xếp hạng trước. VCCI cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào Top 30 của bảng xếp hạng PCI.

Báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

Báo cáo xếp hạng Chỉ số PCI 2023 sẽ mang lại nhiều thông tin cho các cơ quan Nhà nước các cấp sử dụng trong soạn thảo chính sách, điều hành, quản lý nhà nước; cho các tổ chức có liên quan quan tâm đến chủ đề quan trọng này; là động lực để các địa phương thay đổi mạnh mẽ hơn theo hướng bền vững; là thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định đầu tư, định hướng có nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Cũng theo CPI, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Chi phí không chính thức thấp; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chất lượng đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-nam-2023-thanh-hoa-tang-17-bac-so-voi-nam-2022-87893.html