Chi phí đầu vào tăng cao – Sản xuất nông nghiệp gặp khó

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật... đồng loạt tăng mạnh so với trước đó, trong khi giá các sản phẩm không tăng, đã khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, nông dân đứng ngồi không yên, gồng mình "gánh lỗ" khi thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Giá nguyên liệu tăng khiến giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong thời gian qua, gây ra nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi. (Ảnh chụp tại cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Long, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Chu Kiều

Giá nguyên liệu tăng khiến giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong thời gian qua, gây ra nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi. (Ảnh chụp tại cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Long, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Chu Kiều

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới tiếp tục tăng cao so với cuối năm 2021. Cụ thể, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, khô đậu nành tăng khoảng 16%, bắp tăng khoảng 9%...

Trước tình hình giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, một loạt các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo điều chỉnh tăng giá bán.

Điển hình như từ ngày 21/2/2022, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi 300 đồng/kg. Tiếp đó, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà, tăng 240 đồng/kg thức ăn chăn nuôi dành cho lợn con và gia cầm đẻ.

Không chỉ riêng thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã', ghi nhận tại nhiều đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện, giá phân bón đã tăng hơn 20% và theo dự báo thời gian tới có thể sẽ còn tăng mạnh.

Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác trong nước tăng cao là do việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; trong khi, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, tác động giữa cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraina đã khiến giá các nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mì, ngô, đậu tương... và giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh (do Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới), ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán các sản phẩm này trong nước.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi như: Giá lợn hơi, giá cá lại liên tục ở mức thấp, việc tiêu thụ bấp bênh đã đẩy người chăn nuôi vào tình trạng thua lỗ, sản xuất cầm chừng.

Là đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC); đồng thời là chủ trang trại hiện đang nuôi hơn 300 con lợn thịt, anh Nguyễn Đức Thịnh (xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường) chia sẻ: So với trước Tết, giá cám hiện đã tăng 2 lần, giá tăng từ 260 - 400 đồng/kg, trong khi giá lợn liên tục ở mức thấp và hiện ở mức 53 - 57 nghìn đồng/kg lợn hơi và tùy loại lợn, không có xu hướng tăng khiến cả đại lý phân phối và người chăn nuôi gặp khó khăn.

Anh Thịnh lý giải, khi giá cám tăng, nhiều hộ đã giảm đàn hoặc chọn cách tự phối trộn thức ăn nên lượng bán ra của đại lý thấp; còn đối với hộ chăn nuôi, giá chi phí đầu vào liên tục tăng nhưng không cập với giá thành sản xuất đồng nghĩa liên tục chịu lỗ.

Theo cách tính của nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, giá thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh liên tục "đội giá" như hiện nay đã đẩy giá thành sản xuất lên mức 55 ngàn đồng/kg lợn hơi, trong khi giá bán thấp hơn, vì vậy nhiều tháng nay, người chăn nuôi đang phải “gồng mình” chịu lỗ. Nhiều hộ đã buộc phải giảm đàn vì càng nuôi càng lỗ.

Tương tự, giá phân bón liên tục tăng cao khiến bà con nông dân ở các địa phương không khỏi sốt ruột. Theo tính toán của bà Lưu Thị Yên, thôn Quang Minh, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo vụ trước, với 2 sào cấy lúa phải đầu tư 3 kg lúa giống với giá gần 180 nghìn đồng, sử dụng bón 1 bao phân bón 25 kg trị giá 290 nghìn đồng, thuê 1 người cấy và bỏ thêm 300 nghìn đồng tiền máy gặt, 440 nghìn đồng tiền máy phay, cho thu về hơn 3 tạ thóc. Tính cả tiền công thuê cấy, thuốc trừ sâu, thuộc diệt chuột mới coi như hòa vốn.

Nay, giá phân bón đã tăng lên 350 nghìn đồng/bao 25 kg chưa biết có được mùa hay không đã có thể xem như là lỗ.

Tính đến trung tuần tháng 3/2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 37.311 ha cây trồng vụ Xuân, đạt hơn 98 kế hoạch và giảm 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, tình hình sâu bệnh, chuột phá đang phát triển mạnh nên ngoài chi phí phân bón, chi phí thuốc phòng, chống sâu bệnh, diệt chuột..., nhiều hộ phải tính toán kỹ trong việc canh tác.

Trước tình hình giá các chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các DN sản xuất không tăng giá thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, các hộ nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt... để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng trước tình hình giá phân bón tăng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp cũng đã đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, có liên kết, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn nhằm đảm bảo môi trường và phát triển bền vững, giảm chi phí đầu vào, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng hiệu quả và thu nhập, giúp các hộ duy trì sản xuất.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75780/chi-phi-dau-vao-tang-cao--san-xuat-nong-nghiep-gap-kho.html