Chi hơn 7.200 tỷ đồng, Đà Nẵng làm gì để giải quyết tình trạng ngập lụt?

Theo Đồ án Quy hoạch Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, để xử lý ngập lụt toàn TP, Đà Nẵng dự kiến chi hơn 7.200 tỷ đồng. Vậy Đà Nẵng sẽ đầu tư những công trình gì trong đồ án này?

Đà Nẵng sẽ đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng để giải quyết ngập lụt toàn TP

Đà Nẵng sẽ đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng để giải quyết ngập lụt toàn TP

Hơn 7.200 tỷ đầu tư hệ thống thoát nước dài hơn 63.541 m

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ điều chỉnh quy hoạch đối với toàn bộ ranh giới hành chính TP trên tổng diện tích khoảng 129.046 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 1,79 triệu người.

Với quy hoạch này, hệ thống thoát nước toàn TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sẽ được chia thành 4 khu vực chính gồm: Khu trung tâm, khu Tây Bắc, khu phía Nam và khu phía Tây; cùng tổng mức đầu tư cho phần thoát nước mưa hơn 7.222 tỷ đồng.

Trong đó, khu vực trung tâm có 1 tuyến kênh kích thước 5x3 m, dài 850 m; mở rộng 1 cầu bản có kích thước 14,6x3,25 m, dài 30 m; 74 tuyến cống có kích thước từ 0,8x0,8 m đến 4,5x1,2 m, với tổng chiều dài 26.220 m, cùng tổng mức đầu tư hơn 1.433,27 tỷ đồng;

Khu vực Tây Bắc có 3 tuyến kênh dài hơn 5.350 m; 31 tuyến cống có kích thước từ 0,8x0,8 m đến 4x3 m, với tổng chiều dài 11.675 m, cùng tổng mức đầu tư hơn 3.778,68 tỷ đồng;

Khu vực phía Nam có 8 tuyến cống hộp có kích 1x1 m đến 2x1,5 m và cống tròn D1000-D1800 mm, với tổng chiều dài 4.020 m, cùng tổng mức đầu tư hơn 204,65 tỷ đồng.

Trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022 khiến hàng ngàn xe ô tô tại trung tâm TP Đà Nẵng chìm trong nước

Khu vực phía Đông có 57 tuyến cống hộp có kích 0,8x0,8 m đến 4x1,5 m và cống tròn D1000-D1500 mm, với tổng chiều dài 21.626 m, cùng tổng mức đầu tư hơn 1.562,42 tỷ đồng.

Tổng chiều dài hệ thống cống thoát nước Đà Nẵng sẽ đầu tư để giải quyết tình trạng ngập lụt trên toàn TP đến năm 2030 là 63.541 m cống, kênh các loại.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu phức tạp. Đặc biệt trong những năm gần đây, mưa cực đoan ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài sản của người dân Đà Nẵng. Qua đó, TP nhận thấy rõ được bất cập về cao trình, hệ thống thoát nước.

“Chính vì vậy, một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính chất ổn định lâu dài để giải bài toán ngập lụt đô thị là hoàn thành, phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồ án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024 trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan”, ông Nam cho hay.

Phân kỳ đầu tư, ưu tiên xử lý các điểm ngập cấp bách

Cũng theo đề án, tổng chi phí vốn đầu tư hệ thống thoát nước đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đà Nẵng sẽ được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa; nguồn vốn ODA từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế; vốn trái phiếu của địa phương; và vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách TƯ và địa phương).

Hơn nữa, do việc đầu tư hệ thống cần nguồn vốn đầu tư lớn nên Đà Nẵng sẽ phân kỳ đầu tư và chọn các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025 nhằm từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng đô thị cho các đô thị trung tâm TP Đà Nẵng; các dự án trong giai đoạn 2025-2030 phải phù hợp với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ ưu tiên hoàn thành các dự án hiện đang triển khai; xử lý các điểm ngập úng cấp bách trong đô thị; đặc biệt các dự án xử lý điểm ngập lụt sâu 2022 và 2023, xây dựng các công trình, cải tạo sông, hồ nhằm sớm đảm bảo tiêu thoát nước chủ động và tạo cảnh quan môi trường cho giai đoạn đến năm 2030.

Mưa lớn gây ngập và sạt lở nghiêm trọng tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà vào nămm 2022

Trong giai đoạn đến năm 2030, Đà Nẵng ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước cấp I, các khu vực đô thị hiện hữu, các khu vực đô thị bị úng ngập thường xuyên như: Khu vực hòa Sơn Thanh Vinh; các tuyến cống đổ ra sông Phú Lộc như khu vực Mẹ Suốt, Cầu Đa Cô, Đinh Liệt, Yên Thế Bắc Sơn, Phần Lăng – Trần Xuân Lê, Hà Huy Tập; trục Hàm Nghi – 2 hồ Thạc Gián Vĩnh Trung – Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm; khu vực sân Bay Phía Đông (thoát ra Nguyễn Trác – Phan Đăng Lưu – Huỳnh Tấn Phát – Hồ Khuê Trung – sông Cẩm Lệ); khu vực kênh Nguyễn Nhàn; khu vực Huỳnh Tấn Phát; mở tuyến Thanh Sơn để giảm Ngập cho tuyến cống Hải Hồ - Mai Am ra trạm bơm Thuận Phước.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng ưu tiên cải tạo tăng tiết diện một số tuyến cống để giải quyết úng ngập cục bộ hiện tại trong khu vực đô thị; xây dựng mới và cải tạo tăng tiết diện một số tuyến cống để tăng cường thoát nước mưa cho khu vực đô thị trung tâm; ưu tiên cải tạo hồ thuộc khu vực đô thị trung tâm và xây dựng quy trình điều tiết cho các hồ, chuỗi các hồ.

Với những giải pháp này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt trên toàn TP.

Trong bài viết sau, VietTimes sẽ phỏng vấn chuyên gia về kế hoạch chi hơn 7.200 tỷ đồng để thực hiện dự án chống ngập của Đà Nẵng.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chi-hon-7200-ty-dong-da-nang-lam-gi-de-giai-quyet-tinh-trang-ngap-lut-post174955.html