Châu Âu nhập khẩu lượng lớn gia vị từ châu Á

Châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới.

Các loại gia vị có tiềm năng nhất tại thị trường EU

Theo Bộ Công Thương, Châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Năm 2021, Châu Á là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liêụhàng đầu với 45% thị phần, tiếp theo là Châu Âu (28%),

Cụ thể, hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển. Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhập khẩu gia vị từ các nước đang phát triển cũng có nghĩa là hầu hết hoạt động thương mại ở Châu Âu đều bao gồm việc tái xuất khẩu các loại gia vị có nguồn gốc từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đối với các loại thảo mộc, phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ở Châu Âu cũng được sản xuất tại địa phương.

Đáng lưu ý, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cao hơn đáng kể so với hầu hết các khu vực khác. Điển hình giá trung bình của các loại gia vị nhập khẩu ở châu Âu cao gần gấp đôi so với giá ở châu Á. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu thú vị cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, bất kể biến động thị trường xảy ra đối với một số sản phẩm do nhu cầu thay đổi.

Từ năm 2019 đến năm 2021, thị trường Châu Âu tiếp tục tăng nhập khẩu đặc biệt nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu gia vị và hương liệu trong giai đoạn này tăng với tốc độ hàng năm là 9,0%, đạt 1,8 tỷ euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu.

Mặc dù nhập khẩu của Châu Âu có thể tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải trong những năm tới nhưng dự kiến sẽ vẫn thấp hơn so với các khu vực khác trên toàn thế giới, chẳng hạn như Nam và Đông Nam Á, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế và thị trường trung bình cao hơn nhiều trong thập kỷ qua.

Những năm trở lại đây, gia vị và hương liệu đóng vai trò quan trọng làm nguyên liệu cho ngành thực phẩm và đồ uống Châu Âu. Theo Food and Drink Europe, ngành này có doanh thu gần 1,1 nghìn tỷ EUR. Từ năm 2013 đến năm 2019, doanh thu của ngành thực phẩm châu Âu có nhiều biến động. Đến cuối năm 2021, ngành này một lần nữa có dấu hiệu tăng trưởng, với doanh thu tăng 3,3% trong Quý 4 năm 2021 so với quý trước.

Đáng chú ý, Pháp có ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn nhất châu Âu, chiếm khoảng 19% tổng doanh thu; Đức có 17%, Ý 13%, Tây Ban Nha 11%, Hà Lan 7%, Ba Lan 5% và Bỉ 5%.

Trong ngành công nghiệp thực phẩm, các phân khúc dành cho sản phẩm thịt (tiêu, ớt bột, ớt, tỏi khô, hạt tiêu, nghệ, thì là, húng tây, hương thảo, hành khô...), bánh mì và các sản phẩm có bột (quế, bạch đậu khấu, đinh hương, nhục đậu khấu, gừng,...), đồ uống (gừng, húng tây, cây xô thơm, hoa hồi, nghệ,...), trái cây và rau quả chế biến, và các sản phẩm từ cá đặc biệt quan trọng đối với gia vị và thảo mộc. Những phân khúc này chiếm hơn một nửa tổng ngành công nghiệp thực phẩm.

Dự báo giá trị nhập khẩu gia vị và hương liệu của châu Âu sẽ tăng nhẹ trong những năm tới. Theo đó, cơ hội cho các loại gia vị và hương liệu của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, giá cả và chứng nhận.

“Trong số các sản phẩm có nhu cầu cao nhất là gừng và nghệ, trong khi hồ tiêu, vani và quế vẫn là những sản phẩm có thị trường lớn ở châu Âu. Hạt nhục đậu khấu nói riêng cũng có sự tăng trưởng đáng kể gần đây”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay.

Giá bán gia vị nhập khẩu ở châu Âu cao hơn châu Á. Ảnh minh họa.

Giá bán gia vị nhập khẩu ở châu Âu cao hơn châu Á. Ảnh minh họa.

Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu

Theo báo Công Thương, thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không.

Cần lưu ý đến yếu tố quan trọng của luật này là: “Tất cả các doanh nghiệp thực phẩm bên ngoài châu Âu, quá trình sản xuất từ đầu, phải áp dụng, thực hiện và duy trì một quy trình dựa trên các nguyên tắc HACCP”. Điều này là biện pháp kiểm soát chính thức không được thay thế bằng các chứng chỉ khác. Quy định áp dụng HACCP là một yếu tố quan trọng trong hệ thống quản lý chất lượng của các công ty nhằm trở thành nhà cung cấp thành công cho thị trường châu Âu.

Thời gian qua, thị trường EU có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới. Bên cạnh đó, mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế sẽ là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Đặc biệt, sự gia tăng thị trường gia vị và hương liệu ở Châu Âu được thúc đẩy bởi các xu hướng được mô tả trước đó: chức năng, sự tăng trưởng trong thực phẩm và đồ uống dân tộc, cộng với việc ngành này giảm muối và đường. Sự thay thế ngày càng tăng của hương vị nhân tạo trong thực phẩm và đồ uống bằng các hương vị thay thế tự nhiên, cũng như việc gia tăng nấu ăn tại nhà, cũng được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Trong 5 năm qua, nhập khẩu gia vị và hương liệu của châu Âu đã biến động nhưng vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng dài hạn. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU sẽ gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp các nước nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tại thị trường này.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chau-au-nhap-khau-luong-lon-gia-vi-tu-chau-a-a628661.html