Chật vật xây dựng trường chuẩn quốc gia

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đã trở thành mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học.

Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu là một trong số ít các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Biên Hòa đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trong ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu trong giờ học. Ảnh: H.Yến

Tuy nhiên, thành phố Biên Hòa, nơi tập trung hơn 1,2 triệu dân (chiếm gần một nửa dân số của tỉnh) lại có số lượng trường học đạt KĐCLGD và đạt CQG thấp nhất toàn tỉnh. Thực trạng này khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, bởi thành phố đang phải chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh, cơ sở vật chất và đội ngũ.

* Nhiều khó khăn

KĐCLGD là hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục và được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần. Theo quy định về KĐCLGD, các trường học thực hiện công tác tự đánh giá theo quy trình: thành lập hội đồng; xây dựng kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích minh chứng; đánh giá mức độ đạt theo từng tiêu chí; viết báo cáo, công bố báo cáo và thực hiện cập nhập phần mềm KĐCLGD theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu thập, xử lý minh chứng và viết báo cáo của nhiều trường chưa được thực hiện chi tiết, còn nhiều sai sót, hồ sơ lưu trữ chưa đầy đủ nên khi thực hiện rà soát chuẩn bị đánh giá ngoài, các đơn vị phải bổ sung và điều chỉnh nhiều nội dung.

Theo báo cáo, hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa có 220 trường (từ mầm non đến trung học cơ sở), trong đó có 172 trường đủ điều kiện tự đánh giá và đã tiến hành công việc này. Tuy nhiên, có đến 81 trường không đạt. Số trường đạt kiểm định có 57 trường đạt mức 1, có 32 trường đạt mức 2, chỉ có 2 trường đạt mức 3 và không có trường nào đạt mức 4.

Về công tác xây dựng trường CQG, tính đến tháng 12-2023, toàn thành phố chỉ có 28/220 trường học được công nhận đạt CQG và đều đạt ở mức độ 1 - mức độ thấp nhất. Trong đó, bậc mầm non có 7 trường, bậc tiểu học có 13 trường, bậc trung học cơ sở có 8 trường. Đây là con số rất khiêm tốn so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh.

Năm 2024, thành phố Biên Hòa có 12 trường đề nghị công nhận đạt chuẩn KĐCLGD, trong đó có 2 trường đề nghị công nhận mới, 10 trường công nhận lại (tái công nhận theo chu kỳ); có 10 trường đề nghị đạt KĐCLGD và đạt CQG (trong đó có 7 trường tái công nhận).

Ngành giáo dục thành phố Biên Hòa đã thẳng thắn nêu những nguyên nhân, khó khăn của ngành. Theo đó, quy mô mạng lưới trường lớp của thành phố lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ, tình trạng thiếu trường lớp xảy ra ngày càng cao, nhất là tại khu vực có đông công nhân lao động. Hệ thống cơ sở trường mầm non công lập ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phòng học diện tích chật hẹp, chất lượng thấp. Một số công trình phụ chưa phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe của trẻ, chưa đảm bảo vệ sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá các tiêu chí về cơ sở vật chất.

Hàng năm, sĩ số học sinh tăng cơ học ở các trường tiểu học, trung học cơ sở khá cao, trường lớp xây dựng không đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Nhiều trường trung học cơ sở phải tạm chuyển mục đích sử dụng các phòng thực hành, thí nghiệm thành lớp học văn hóa. Nhiều nơi áp lực học ca ba, cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo an toàn, vệ sinh, điều kiện dạy và học. Điều này đã ảnh hưởng đến việc đánh giá tiêu chí, chất lượng giáo dục nhà trường.

Bên cạnh đó, số trường học có quy mô lớp học vượt chuẩn theo quy định chiếm tỷ lệ cao, diện tích đất chật hẹp. Số trường tiểu học không đủ phòng/lớp còn nhiều…

* Hỗ trợ các trường trong KĐCLGD

Trước thực trạng trên, Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Biên Hòa đã tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ các trường rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ tự đánh giá; đồng thời, đề xuất với lãnh đạo phòng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường đảm bảo yêu cầu của các tiêu chí theo quy định.

Tính đến tháng 12-2023, toàn thành phố có 50 trường đã đánh giá ngoài (một bước trong quy trình để được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD và công nhận đạt CQG). Với cách làm bài bản, chặt chẽ, không có đơn vị nào trong số 50 trường học nêu trên bị đánh giá không đạt.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Biên Hòa, công tác KĐCLGD trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Các trường học đã đánh giá lại việc thực hiện chương trình, quy chế chuyên môn, nền nếp dạy và học; chú ý hơn đến việc sắp xếp quản lý và lưu trữ hồ sơ, sổ sách; tích cực thực hiện cải cách hành chính, lưu trữ văn bản; tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chú trọng hơn đến việc công khai hóa; quan tâm hơn đến quyền lợi của giáo viên và học sinh.

Thông qua công tác tự đánh giá KĐCLGD, nhận thức, ý thức và trình độ quản lý nói chung, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ nói riêng của cán bộ quản lý của nhà trường đã được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề cho việc hình thành một cung cách quản lý mới, bài bản và hiệu quả hơn.

Các trường học ngày càng được chuẩn hóa, hiện đại hóa về tổ chức và quản lý trường học, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên. Từ đó, tạo ra môi trường giáo dục đồng bộ giữa các trường trên địa bàn thành phố, tạo cơ hội bình đẳng về điều kiện học tập cho trẻ em.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/chat-vat-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-b7754f4/