Chậm triển khai nâng tĩnh không nhiều cầu khu vực phía Nam

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) vướng mặt bằng thi công.

Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) hiện vẫn còn hai cầu chưa thể khởi công do vướng mặt bằng.

Dự án gồm xây dựng mới 9 cầu: Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày, Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội; cải tạo cầu Giồng Găng và tháo dỡ cầu Măng Thít. Tổng mức đầu tư 2.155 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Dự án hoàn thành sẽ cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến. Khi tĩnh không các cầu được nâng lên, sẽ đảm bảo cho các tàu chở container xếp từ 3-4 lớp lưu thông thuận lợi.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) hiện còn hai cầu xây mới chưa thể khởi công do vướng mặt bằng (Ảnh: Thi công cầu Mỏ Cày - Bến Tre).

Địa điểm thực hiện dự tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Thị xã Kiến Tường - tỉnh Long An; TP Sa Đéc, TP Hồng Ngự và huyện Tân Hồng - tỉnh Đồng Tháp; huyện Mỏ Cày Nam - tỉnh Bến Tre; quận Ô Môn và huyện Thới Lai - TP Cần Thơ; huyện Giồng Riềng - tỉnh Kiên Giang.

Phần giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ và tái định cư được bàn giao trực tiếp cho địa phương có các hạng mục bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo tiến độ tổng thể, dự án đã khởi công quý I/2024 và kế hoạch dự kiến hoàn thành quý II/2025. Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung thiết bị, vật liệu, nhân lực khẩn trương thi công các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng đối với cầu: Mộc Hóa, Mỏ Cày, Vàm Xáng - Thị Đội và tháo dỡ cầu Măng Thít; đồng thời xây dựng kế hoạch, cập nhật tiến độ thi công đối với các cầu còn lại để triển khai thi công các hạng mục ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp khó về mặt bằng triển khai thi công do chậm chờ vốn chi trả cho công tác GPMB. Theo đó, năm 2023 dự án được bố trí vốn là 1.105,8 tỷ đồng, đã giải ngân 265,24 tỷ đồng và chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng cho các địa phương là 514 tỷ đồng.

Năm 2024, Bộ GTVT bố trí hơn 198,000 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 120 tỷ đồng. Ban QLCDA đường thủy đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT xin kéo dài kế hoạch vốn năm 2023 còn lại sang năm 2024 để chi cho công tác GPMB, tái định cư.

Nhưng hiện phải chờ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn vốn GPMB từ năm 2023 sang năm 2024 của dự án nên việc phê duyệt phê duyệt phương án bồi thường và chi trả đang bị chậm so với kế hoạch.

Mặt khác, việc tháo dỡ cầu cầu Sa Đéc hiện nay chỉ được thực hiện sau khi Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp hoàn thành sửa chữa, nâng tải trọng cầu Cái Bè nằm trên đường ĐT848 hiện hữu để điều tiết giao thông đường bộ đối với phương tiện vận tải có tải trọng lớn ra vào khu công nghiệp Sa Đéc. Nhưng dự kiến tháng 7/2024 công trình mới hoàn thành.

Đối với các cầu mới xây dựng trùng tim tại vị trí cầu cũ Hồng Ngự, Sa Đéc, Giồng Găng, Ô Môn, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (như đường điện, đường nước, viễn thông…) nằm trên cầu cũ và trong phạm vi GPMB chưa được thực hiện do phương án, kinh phí di dời phải thông qua thẩm định và liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, sử dụng, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

"Theo kế hoạch, sẽ khởi công toàn bộ cầu trước 30/4. Nhưng hiện còn hai công trình cầu Đông Bình, Đông Thuận chưa khởi công được. Đối với vị trí đất công, hạ tầng kĩ thuật, Ban ứng vốn trước để thi công. Còn để chi trả cho dân vẫn phải chờ vốn...", lãnh đạo Ban QLCDA đường thủy thông tin và cho biết thêm, ban đang đôn đốc các nhà thầu khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình đã được bàn giao mặt bằng trên hiện trường.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cham-trien-khai-nang-tinh-khong-nhieu-cau-khu-vuc-phia-nam-192240511120641112.htm