CHẬM BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT: CẦN PHẢI CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP THẬT SỰ QUYẾT LIỆT

Ngày 07/11, tiếp tục phần chất vấn đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội phản ánh về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã tồn tại nhiều năm và cho rằng cần có những giải pháp thật sự quyết liệt hơn mới có thể khắc phục được tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh, doanh nghiệp khi làm chậm, làm sai so với quy định của pháp luật thì Nhà nước xử phạt chế tài rất nghiêm. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh, trong khi đó, việc không ban hành, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật hoặc ban hành văn bản pháp luật không khả thi có tác động rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết quan điểm và giải pháp đối với vấn đề này?

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH Bình Thuận nêu rõ, theo báo cáo, hiện nay vẫn còn 13/129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực pháp luật trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản cụ thể, cá biệt có văn bản còn nợ tới 2 năm 9 tháng, nếu không có phương án giải quyết thì con số này có thể còn kéo dài hơn.

Ngoài ra, một số văn bản được đánh giá chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hay có bất cập, gây vướng mắc và cản trở sự phát triển. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề xây dựng thể chế và hướng giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH Bình Thuận

Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết đã tồn tại nhiều năm, tuy nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2023 còn nợ 12 văn bản đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật; giảm 18 văn bản so với năm 2020, tăng 4 văn bản so với năm 2021 và bằng so với năm 2022. Bộ trưởng khẳng định, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó có sự chưa chủ động, chưa cố gắng và chưa lường trước hết được của các chủ thể trình văn bản của các bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết về nguyên nhân khách quan một số luật có số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều, như Luật Kinh doanh bảo hiểm có đến 37 nội dung; một số văn bản khó, chẳng hạn như Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể đối với Bộ Luật lao động, hoặc Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng. Ngoài ra, một số luật, nghị quyết từ lúc được thông qua cho đến khi có hiệu lực thi hành là tương đối ngắn, nhất là nghị quyết liên quan đến chính sách đặc thù cho các địa phương.

Do đó, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành khác đều tham mưu chung cho Chính phủ trong công tác thẩm định, rà soát và đôn đốc kiểm tra việc thi hành. Trong sự chậm trễ của các bộ, các ngành cũng có trách nhiệm chung của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đã làm từ trước đến nay. So với kì báo cáo trước, Bộ trưởng cho biết, đã có một số tiến bộ rõ rệt. Ngoài ra, các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác xây dựng thể chế đã yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp phụ trách công tác xây dựng văn bản pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lưu ý, các bộ, ngành trong giai đoạn soạn thảo ngoài việc thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần tiếp tục cố gắng để xác định rõ các nội dung sẽ đưa vào văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đối với vấn đề chưa rõ thì chưa nên đề xuất đưa vào chính sách; hạn chế số lượng văn bản bằng cách gộp các nội dung quy định chi tiết tương tự như nhau để quy định trong một văn bản.

Nhấn mạnh, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và sắp tới là quy định về công tác xây dựng văn bản, qua đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tin tưởng, cùng với giám sát của Quốc hội, việc ban hành văn bản quy định chi tiết sẽ tạo được đà phát triển và khắc phục được tốt hơn những hạn tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Tranh luận về việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre chỉ rõ, qua tổng hợp các báo cáo cho thấy, trong số các văn bản đã ban hành thì có trên 60% văn bản chậm ban hành so với thời điểm có hiệu lực của các luật. Từ đó, dẫn đến việc rất khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Trong khi các ngành, các địa phương thì đang rất trông chờ vào các quy định này. Thời gian qua, với nỗ lực để xây dựng cho hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, quy định trong hồ sơ dự án luật phải có kèm theo đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, vấn đề này còn mang tính chất thủ tục và hình thức. Nếu nói vấn đề này tồn tại nhiều năm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng cần phải có những giải pháp thật sự quyết liệt hơn thì mới có thể khắc phục được tình trạng này; cùng với đó, cần xác định trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm, cần phải thật sự quyết liệt hơn mới có thể khắc phục được tình trạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bổ sung 2020 là đạo luật hết sức quan trọng, mặc dù trên thực tế thực hiện có những vướng mắc. Trong bối cảnh thực thi Luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ các văn bản điều chỉnh quan hệ xã hội, và đã cơ bản đạt kết quả quan trọng. Đến nay, chúng ta hướng đến hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, tránh vướng mắc, chồng chéo tức chuyển hướng sang “chỉnh tinh” hệ thống pháp luật thì cần cập nhật Luật và các văn bản liên quan như làm thực chất hơn đánh giá tác động, tăng cường vai trò giải thích pháp luật, trách nhiệm của các chủ thể trong rà soát pháp luật.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Tham gia trả lời làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình với các nhận định được các đại biểu đưa ra và nhận khuyết điểm trong việc có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày Luật có hiệu lực và cho biết thời gian tới tới sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, có tình trạng chậm về thời gian và số lượng văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiênPhó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lý làm rõ việc ban hành nghị định, thông tư cần có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình và tạo điều kiện thông thoáng để vận hành. Hiện nay việc đánh giá tác động chính sách tốn kém nhiều thời gian. Thời gian qua mất nhiều công sức và có ưu tiên hơn trong việc sửa các thông tư, nghị định đang có hiệu lực có bất cập. Tuy nhiên về chủ quan đánh giá thời gian qua Chính phủ có tiến bộ trong việc hoàn thiện hoàn hệ thống pháp luật, hàng tháng tổ chức hội nghị chuyên đề về pháp luật.

Về giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham gia trả lời chất vấn, làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham gia trả lời chất vấn, làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm

Đồng thời, trong bối cảnh xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì hiện cũng có những quy định cần tiếp tục sửa đổi. Trong đó, có đẩy mạnh phân cấp. Phó Thủ tướng Chính phủ lý giải, hơn ai hết, chính ở địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình. Việc thực hiện phân cấp thì cũng giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý rằng, khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không cũng là vấn đề được cân nhắc. Do đó, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra giám sát tăng cường kỉ luật kỉ cương hành chính và chuyển đổi số./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81847