Câu chuyện buồn về một 'địa chỉ đỏ'

Số 4 phố Thụy Khuê, Hà Nội, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) nơi từng là địa chỉ đỏ, niềm tự hào của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khó.

Đã có thế hệ nghệ sĩ đội bom, đi dưới làn lửa đạn để sản xuất và cho ra đời những tác phẩm điện ảnh kinh điển tại nơi này: "Chung một dòng sông", "Con chim vành khuyên", "Vợ chồng A Phủ", "Chị Tư Hậu", "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đến hẹn lại lên", "Em bé Hà Nội", "Sao tháng Tám"… Sau khi thống nhất đất nước, thế hệ gạo cội của Hãng Phim truyện Việt Nam lại tiếp tục làm những thước phim gây tiếng vang, đặt dấu ấn cho nền điện ảnh nước nhà: "Mối tình đầu", "Mẹ vắng nhà", "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Bao giờ cho đến tháng Mười"…

Vậy mà, nhiều năm nay di tích điện ảnh này trở thành phế tích, những thước phim kinh điển bị hư hỏng nặng sau khi Hãng Phim truyện Việt Nam cổ phần hóa. Tại đây, gần trăm nghệ sĩ điện ảnh đã chịu cảnh thất nghiệp không lương, lương thấp, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh nước nhà vô cùng đau xót trước sự mất mát này.

Hãng Phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh hoang tàn.

Hãng Phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh hoang tàn.

Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi ra đời đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ "cây đa, cây đề" như đạo diễn NSND Phạm Kì Nam, đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa, đạo diễn NSND Nguyễn Hải Ninh, NSND Trần Đắc, nhà quay phim tài hoa như NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ… Từ thế hệ diễn viên cánh chim đầu đàn như NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSƯT Thanh Tú… cho tới lớp kế cận sau này như Lan Hương, Minh Châu, Như Quỳnh, Phương Thanh, Lê Vân, Thanh Quý, Hữu Mười… tất cả đều là những diễn viên thành danh, đóng góp lớn cho nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà.

Nhiều năm nay, địa chỉ đỏ này lại là nơi người ta đến để ăn quà vặt. Cứ 4 giờ chiều, hàng quán bày bán khắp vỉa hè số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Ngay cả con đường dẫn vào Hãng Phim truyện Việt Nam cũng là hàng quán ăn đêm của nam thanh nữ tú. Bãi sân trước đây là trường quay của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thì nhiều năm nay là bãi trông đỗ xe ô tô. Những căn phòng làm việc dựng phim, quay phim, phòng thiết bị, phòng phục trang, rạp chiếu... nay ẩm thấp, rêu phong, mái dột, tường vôi tróc lở từng mảng, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài trông như ngôi nhà hoang của một bộ phim ma nào đó.

Trên tầng 2, nơi làm việc của các đạo diễn nhiều thế hệ giờ không có ai tới, bị bỏ hoang do không có việc làm. Khu vực hành chính cũng trong tình trạng buồn thiu, hiu hắt, khóa cửa, không một bóng người. Một số căn phòng bị biến thành nhà kho như phòng thu thanh, tiếng động, thi thoảng người ta thấy những con chuột chạy ra từ đó, và những con mèo hoang lẩn khuất đâu đây. Gần như toàn bộ nhân lực của Hãng Phim truyện Việt Nam phải kiếm thêm thu nhập bên ngoài, một số người mở hàng phở, bán bún, đi quay, đi dựng, tranh thủ ai gọi gì thì làm nấy cho các phim ở các đài truyền hình khác.

Vài năm trước đây, mỗi khi anh chị em bạn nghề nghệ sĩ gặp nhau trong những dịp kỉ niệm ngành điện ảnh, họ lại xót xa trước thực trạng di sản điện ảnh lừng lẫy một thời bị mang ra đấu giá, giao cho bên không biết chuyên môn nắm quyền quản lý. Đã có không ít băng rôn, biểu ngữ của những nghệ sĩ vì quá bức xúc căng ra, cùng với đó là những màn đối chất, nhưng cuối cùng là nỗi buồn và sự thất vọng.

NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng mỗi lần có dịp ra Hà Nội là lại cùng những người bạn nghệ thuật kéo đến thăm địa chỉ đỏ, nơi xưa kia từng một thời gắn bó làm nên những thước phim lịch sử. Lần cuối hai ông ra Hà Nội vào những ngày giữa năm 2018, nơi đây vẫn hoang tàn, lạnh lẽo, hai ông đã khóc và xót thương cho một di sản điện ảnh bị bỏ quên. Giờ cả hai tên tuổi lớn, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh lần lượt ra đi, khi trong lòng còn ngổn ngang tâm trạng, đau đáu với cái nôi của điện ảnh nước nhà bị quên lãng.

Sau khi biết thực trạng của Hãng Phim truyện Việt Nam đã cổ phần hóa, khu đất vàng với diện tích trên 5.000 mét vuông ở vị thế đắc địa bậc nhất của thủ đô lại bị đổi chác mua bán với giá chưa đầy 34 tỷ, tập thể nghệ sĩ đã họp nhau lại, ai nấy đều xót xa, thương tâm và phẫn nộ trước sự mưu lợi của một nhóm lợi ích trước sự sống còn, tinh hoa của nền điện ảnh nước nhà. Họ đã có đơn kiến nghị gửi đi và tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận: Việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.

Thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện ngay các quy trình để nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso rút vốn trước thời hạn). Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Thế nhưng đến nay, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng.

Kể từ đó đến nay, đã có nhiều cuộc hội thảo của các ban ngành liên quan để tìm cách giải quyết, nhưng sự việc càng ngày trầm trọng hơn. Trong khi đó, khoảng 300 cuốn phim bị hư hỏng nặng, khó có nguy cơ hồi phục do điều kiện bảo quản không đạt yêu cầu. Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết hơn 40 năm nay để bảo quản các cuộn phim nhựa, máy điều hòa đã chạy suốt ngày đêm, vậy mà năm ngoái máy điều hòa của phòng bảo quản bị hỏng nhưng không ai đứng ra lo việc này.

NSƯT Thanh Hiền đã từng có 27 năm công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết: "Từ khi cổ phần hóa Hãng phim, mọi người ở đây đều không có lương, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có bất cứ một quyền lợi nào". Chị buồn rầu nói: "Nhà ở gần Hãng phim nên sáng nào tôi cũng đạp xe qua và nhìn thấy cảnh xập xệ, tiêu điều mà xót xa. Có hôm tôi vào gặp ban lãnh đạo để làm việc thì chỉ thấy phòng ốc tan hoang mà rơi nước mắt. Phòng không có hơi người, gỗ cửa mục nát hết. Bây giờ tôi đi làm phim cho đài truyền hình vẫn gặp các bạn xuất phát từ hãng phim truyện đi làm thêm cho các đoàn làm phim. Mọi người vẫn yêu nghề nên phải kiếm việc để đảm bảo cuộc sống cho mình. Quay phim, đạo diễn, phục trang, hóa trang... tất cả các thành phần làm phim ở số 4 Thụy Khuê vẫn phải ra ngoài phải bươn chải bằng nghề. Như mới đây thôi, một số người nhiều tuổi vẫn lăn lộn theo các đoàn làm phim để làm phục trang, hóa trang, kiếm thu nhập nuôi bản thân và gia đình".

NSND Nhuệ Giang buồn bã nói: "Hãng Phim truyện Việt Nam với tôi vừa mang tình chung của những người làm nghệ thuật điện ảnh, vừa mang tình riêng của cá nhân gia đình tôi. Bố tôi là đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa, làm Giám đốc đầu tiên (1956-1959) khi Xưởng Phim truyện Hà Nội, Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam thành lập, sau đó là bố chồng tôi, đạo diễn NSND Hải Ninh cũng làm Giám đốc ở đây (1984-1994). Nhờ từ bé được bố đưa đến đây, tiếp xúc với phim ảnh thường xuyên, tiếp cận với những diễn viên hết lòng với nghề nên đã nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh trong tôi. Tình yêu đó đã dẫn dắt tôi đi theo với niềm đam mê trọn đời cho điện ảnh.

Cả tôi và chồng tôi, đạo diễn NSND Thanh Vân cũng đã có hàng chục năm gắn bó và làm việc tại nơi này. Những ký ức về một thời làm phim rực rỡ và huy hoàng với biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, tuổi trẻ. Trong chiến tranh khó khăn, thiếu thốn là thế, bom rơi, đạn nổ, thế hệ cha tôi và cô chú đi trước vẫn làm ra được những thước phim để đời. Bây giờ thời bình rồi nhưng ngay đến việc bảo quản, gìn giữ những thước phim quý cũng không làm được. Kho phim hỏng chúng ta không có cách nào khôi phục được".

NSND Nhuệ Giang bộc bạch: "Chúng tôi không lương, không bảo hiểm, nhưng không quên công lao của bao người đi trước. Chính những nghệ sĩ thế hệ cha tôi, những người nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam một thời cống hiến quên mình vì lý tưởng, vì những bộ phim khơi dậy tinh thần cho cả dân tộc".

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Khi tiến hành cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện ảnh khi đó là bà Ngô Phương Lan có nói với tôi việc cổ phần hóa hãng phim do Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm. Cục hoàn toàn không được hỏi về vấn đề này dù chỉ một câu, bây giờ tiếp quản tôi thấy rất đau xót cho Hãng phim, cho tất cả anh chị em nghệ sĩ và những nghệ sĩ đã một thời cống hiến cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, Cục không có đủ thẩm quyền để giải quyết nhưng cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiến nghị lên Chính phủ".

Sau một loạt những kiến nghị từ nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng trên. Mới đây nhất Bộ cũng đã tổ chức họp báo ngày 24/3, bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nêu rõ khó khăn do nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực. Bà Chi cho biết: "Vivaso - nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa ra văn bản tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục hoàn trả cổ phần cho nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, những vấn đề tồn đọng ở Hãng Phim truyện Việt Nam là những vướng mắc đã tồn tại lâu dài, Bộ đang tích cực cùng với các cơ quan liên quan để tháo gỡ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cau-chuyen-buon-ve-mot-dia-chi-do-i688605/