Cấp, thoát nước: Điểm 'nghẽn' của phát triển đô thị

So với các địa phương lân cận, Đồng Nai đi trước nhưng về sau trong phát triển đô thị. Nguyên nhân chính là do phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật còn chậm.

Đô thị tại H.Trảng Bom, địa phương đạt 83/75 điểm tiêu chí đô thị loại III. Ảnh: H.Lộc

Đô thị tại H.Trảng Bom, địa phương đạt 83/75 điểm tiêu chí đô thị loại III. Ảnh: H.Lộc

Làm tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án để được công nhận và nâng cấp đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân là vấn đề đặt ra.

* “Nợ” tiêu chí cấp, thoát nước

Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp, kéo theo đó là đô thị hóa, gia tăng dân số và phát triển các hạ tầng khác. Tuy nhiên, so với các địa phương lân cận, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh còn chậm. Hiện tại, tỉnh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V; trong đó có 2 thành phố. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III và 5 đô thị loại V; trong đó có 4 thành phố và sắp tới có thêm TP.Bến Cát (là một trong 2 địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước). Tỉnh Bình Phước đi sau nhưng cũng có 1 thành phố, 3 thị xã và 5 thị trấn.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thời điểm được công nhận, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều “nợ” những chỉ tiêu căn bản, trong đó có hạ tầng cấp, thoát nước. Thậm chí, nhiều đô thị đã được công nhận 4-5 năm, có khi 10 năm nhưng đến nay hạ tầng cấp, thoát nước vẫn chưa đáp ứng được. Hệ quả là việc nâng cấp, công nhận đô thị chậm; xảy ra tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường; thiếu nước sạch cho người dân...

Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, còn lại là 7 đô thị loại V. Trong số các đô thị thì có 2 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh), còn lại là thị trấn.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh sẽ có thêm hàng loạt đô thị là: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch lên loại III; Dầu Giây, Gia Ray, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh An lên loại IV; thành lập 2 thị xã Trảng Bom và Long Thành, nhưng hiện tại mới có H.Trảng Bom đạt điểm tối thiểu (83/75 điểm) theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng cho rằng, Đồng Nai đi trước nhưng về sau trong nâng cấp, công nhận đô thị. Trong số các đô thị đặt mục tiêu về đích năm 2024 chỉ có H.Trảng Bom là khả quan nhất, nhưng đô thị này vẫn chưa đạt một số tiêu chí, các pháp lý liên quan đến thành lập thị xã như: chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, lập đề án thành lập thị xã chưa có.

Đối với các đô thị còn lại, khả năng khó hoàn thành trong năm nay. Ví dụ, H.Long Thành chưa có quy hoạch chung, chưa có chương trình phát triển đô thị cho toàn huyện, nhiều tiêu chí chưa đạt. Tương tự, H.Nhơn Trạch đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung lần 3, chưa có chương trình phát triển đô thị, nhiều tiêu chí của đô thị loại III chưa đạt.

Trao đổi về vấn đề này, nhiều địa phương cho rằng, cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt là những chỉ tiêu “cứng” khó đạt vì liên quan đến công tác quy hoạch, nguồn vốn thực hiện. Đối với hạ tầng thoát nước, rất nhiều tuyến đường đô thị xây dựng trước đây không có hạ tầng thoát nước mưa, nước thải đi kèm. Đối với xử lý nước thải sinh hoạt, hiện duy nhất TP.Biên Hòa có 1 hệ thống với công suất rất nhỏ so với lượng phát sinh (3 ngàn m3/ngày)...

* Bộ 3 “chìa khóa vàng”

Từ các phân tích ở trên, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng Nguyễn Thị Vĩnh An cho rằng, định hướng phát triển đô thị của tỉnh là đúng nhưng cách làm chưa phù hợp. Chẳng hạn, một số xã được định hướng trở thành đô thị như: Phú Túc, La Ngà (H.Định Quán), Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu)… thay vì ưu tiên nhiệm vụ lập quy hoạch chung đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị thì địa phương lại lập quy hoạch chung xây dựng xã, như vậy là phải trải qua 2 lần lập quy hoạch.

Cũng theo bà An, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan thì điều kiện tiên quyết là quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị. Địa phương nào có đủ bộ 3 “chìa khóa vàng” này trước thì khả năng về đích sớm trong phát triển đô thị. Trường hợp không có đủ 3 yếu tố trên, muốn lập thị trấn, thị xã, lập thành phố vẫn rất lâu.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà nhận định, tốc độ đô thị hóa của tỉnh nhanh nhưng nhiều tiêu chí chưa đạt. Do đó, thời gian tới, thực hiện tốt đô thị “5 không, 5 có” (5 có: có biểu tượng, không gian xanh, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, đường phố thông thoáng - đẹp; 5 không: không dây nhợ, không có rác thải, không có người ăn xin, không bán hàng rong nhếch nhác và không đào bới đường lộn xộn).

Sở Xây dựng cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ “phủ” quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu. Đối với các đô thị ở vùng nông thôn thì “phủ” quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết 1/2.000, quy hoạch 1/500 để đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư. Sở cũng đề nghị các địa phương chủ động đánh giá, xác định các tiêu chí còn thiếu, còn yếu từ đó xây dựng nghị quyết hoặc chương trình, kế hoạch gắn với lộ trình, tiến độ, nguồn nhân lực, nguồn vốn để đạt và nâng cấp các tiêu chí…

Làm việc với Sở Xây dựng về kết quả hoạt động năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, phát triển đô thị ở Đồng Nai chưa xứng tầm. Sở Xây dựng cần tổ chức triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương công tác lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo phân cấp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện sau khi quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt.

Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, mở rộng không gian xanh, phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, xử lý nước thải và đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/cap-thoat-nuoc-diem-nghen-cua-phat-trien-do-thi-2443ab6/