Cảnh báo với cây sầu riêng

Khoảng 3 năm trở lại đây, giá sầu riêng luôn ở mức cao giúp các nhà vườn thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, sầu riêng của Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là thị trường lớn nên nhiều nhà vườn ở Đồng Nai, trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Tây đua nhau chuyển đổi qua trồng sầu riêng. Theo đó, diện tích sầu riêng của Việt Nam tăng nhanh. Hiện Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về diện tích cây sầu riêng.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 131 ngàn hécta sầu riêng, bình quân mỗi năm tăng hơn 24%, tương đương khoảng 27 ngàn hécta/năm. Đây là cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam. Trong đó có gần 55 ngàn hécta sầu riêng đang cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 850 ngàn tấn. Thị trường tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam chủ yếu là trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nếu các địa phương không kịp thời khuyến cáo người dân thì diện tích sầu riêng sẽ tiếp tục tăng nhanh. Việc phát triển diện tích sầu riêng nhanh nhưng không đi đôi với việc mở rộng thị trường tiêu thụ rất dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sầu riêng sẽ khó giữ được mức cao và lợi nhuận như hiện nay. Bởi chỉ trong vài năm tới, tổng sản lượng sầu riêng của Việt Nam có thể lên đến
1,7-1,8 triệu tấn.

Tại Đồng Nai, diện tích sầu riêng hiện hơn 11,3 ngàn hécta và tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất an toàn được cấp chứng nhận VietGAP. Nhiều vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trước đây, sầu riêng của Đồng Nai từng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khá tốt, nhưng sau đó vì không đáp ứng đủ số lượng nên đã ngưng xuất khẩu. Vì thế, bài toán đặt ra với cây sầu riêng của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác là phát triển diện tích trồng phải đi đôi với mở thêm được những thị trường tiêu thụ mới. Có như vậy thì mới đảm bảo cung không vượt cầu và tránh được tình trạng không bán được hàng, giá giảm sâu như một số loại nông sản khác.

Ngoài Việt Nam gia tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng, nhiều nước khác như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia… thậm chí Trung Quốc là nước đang nhập khẩu nhiều sầu riêng cũng tăng diện tích trồng loại cây này. Do đó, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho trái sầu riêng là rất cần thiết. Nếu không thực hiện sớm thì rủi ro cho trái sầu riêng rất cao.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/canh-bao-voi-cay-sau-rieng-e365e31/