Cảnh báo chiêu trò lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (22/4 - 28/4/2024) với series 'Điểm tin tuần' của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhu cầu sử dụng các dịch vụ của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, tội phạm lừa đảo có thể sẽ xuất hiện với nhiều "chiêu lừa" mới.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài tới 5 ngày nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt các chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Một, đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Hai, đối tượng chạy quảng cáo những bài đăng với nội dung bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (30% - 50% giá trị). Sau khi đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tài sản.

Ba, đối tượng dẫn dụ nạn nhân bằng chiêu trò đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, đối tượng lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Bốn, mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo lập những website/fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng.

Năm, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê,... dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt. Một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi ga đến… nên không có giá trị đi tàu.

Lừa đảo đặt tiệc, đặt nhà hàng dịp nghỉ lễ để chiếm đoạt tiền cọc

Thời gian gần đây, một số nhà hàng và dịch vụ nấu ăn trên địa bàn thành phố bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng…

Hàng loạt các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng A.L.B trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đặt tiệc tiếp khách. Sau khi thống nhất các món ăn, “khách hàng” yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng và đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc. Sau khi được nhân viên nhà hàng liên hệ, nhận báo giá của cửa hàng rồi thông báo lại cho “khách hàng”. Đồng thời bảo “khách hàng”, chốt đặt đơn hàng, nhân viên nhà hàng đề nghị đối tượng chuyển tiền để nhà hàng mua rượu và hồng sâm, tuy nhiên, đến gần thời gian đặt tiệc, đối tượng lại gửi biên lai hóa đơn giả. Dù chưa nhận được tiền nhưng do tin tưởng, nhà hàng chuyển số tiền đặt hàng cho phía cửa hàng bán rượu và hồng sâm. Tuy nhiên sau đó, chẳng có khách nào đến nhà hàng dự tiệc, rượu và hồng sâm đặt giúp cũng không ai mang đến. Trong khi đó, qua kiểm tra, phát hiện “khách VIP” cũng như đại diện cửa hàng hồng sâm đã chặn tin nhắn của nhà hàng và xóa kết bạn.

Cảnh báo lừa đảo bằng công nghệ Deepfake

Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) đã trở thành mối đe dọa đối với không gian mạng tại Việt Nam, nơi tội phạm mạng thường sử dụng các cuộc gọi video Deepfake để mạo danh một cá nhân và vay mượn người thân, bạn bè của họ những khoản tiền lớn cho những trường hợp cấp bách.

Đối tượng làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/canh-bao-chieu-tro-lua-dao-du-lich-dip-nghi-le-30-4-1-5-20240428164244576.htm