Căng thẳng thương mại gia tăng từ việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu 'hàng ế'

Sản xuất quá nhiều nhưng nhu cầu trong nước yếu, các nhà máy ở Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu với các mức giá thấp, làm gia tăng các căng thẳng thương mại mới ở khắp nơi trên thế giới.

Do công suất trong nước dư thừa, các nhà máy Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như tấm pin mặt trời, linh kiện tuốc-bin, gió, các sản phẩm thép, hóa chất. Ảnh: Getty

Hàng giá rẻ của Trung Quốc bị điều tra

Nhiều nhà máy Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng dư thừa công suất trong nền kinh tế đang gặp khó khăn do vậy, họ buộc phải tìm cách mở rộng thị phần ở nước ngoài. Các nhà sản xuất xe điện, tấm pin mặt trời và các sản phẩm khác ở Trung Quốc đang giảm giá bán và tăng cường nỗ lực thâm nhập thị trường nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu suy yếu trong nước. Động thái này làm gây lo lắng cho các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài khi lợi nhuận của họ có nguy cơ giảm mạnh.

Căng thẳng bộc lộ gay gắt nhất ở châu Âu, nơi các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 9 công bố cuộc điều tra chống trợ cấp nhằm vào ngành xe điện Trung Quốc, vốn đang làm đang tràn ngập thị trường khu vực bằng các mẫu xe chạy pin giá rẻ.

Gần đây, Mỹ công bố áp thuế phạt lên đến 122,52% đối với các sản phẩm thép tấm mạ thiếc của Trung Quốc, sau khi xác định rằng các nhà sản xuất thép của nước này đang bán với giá thấp không công bằng.

Ấn Độ đang điều tra xem liệu Trung Quốc có bán phá giá nhiều loại hàng hóa, từ hóa chất đến đồ nội thất vào nước này với mức giá không công bằng hay không. Hồi cuối tháng 9, Bộ Công thương của Việt Nam công bố quyết định về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc.

Bắc Kinh cáo buộc cuộc điều tra xe điện của EU là “hành động bảo hộ trắng trợn”, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

Theo ngân hàng đầu tư ABN AMRO, giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm trung bình khoảng 20% trong năm nay. Theo các nhà kinh tế, dù mức giảm đó phản ánh thực tế các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm giá để bảo vệ hoặc mở rộng thị phần trong thời kỳ nhu cầu toàn cầu yếu hơn.

Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ lĩnh vực sản xuất

Trong thời gian gần đây, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tài trợ các chuyến đi nước ngoài để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, bao gồm cả việc thuê chuyến bay cho họ. Họ đang kêu gọi các ngân hàng trong nước ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở các nước tham gia chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kêu gọi các tổ chức tài chính cung cấp tín dụng trực tiếp cho lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc được được hưởng lợi nhờ đồng tiền yếu, với đồng nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong hơn 15 năm, khiến hàng hóa của họ rẻ hơn ở nước ngoài.

Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs hồi tháng 8 đã chỉ ra một số sản phẩm đang chứng kiến tình trạng dư cung ở Trung Quốc, bao gồm pin, máy đào và một số hóa chất.

Weltmeister, một hãng ô tô điện Trung Quốc thuộc sở hữu của WM Motor Technology, có trụ sở ở Thượng Hải, hoạt động thua lỗ trong nhiều năm và có thời điểm ngừng sản xuất tại một trong số các nhà máy của hãng. Weltmeister tiết lộ, nhà máy đó đã khởi động lại hồi tháng 6 sau khi nhận được sự hỗ trợ tài chính từ quyền địa phương. Kang Yun, đại diện của Weltmeister, cho biết nhà máy này hoạt động trở lại để tăng tốc giao các đơn đặt hàng ở nước ngoài và mở rộng thị phần toàn cầu.

“Với nền kinh tế suy yếu, Trung Quốc đương nhiên tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng bất kỳ sự mở rộng đáng kể nào của xuất khẩu Trung Quốc vượt quá mức hiện tại sẽ đè bẹp hoạt động sản xuất ở những nơi khác”, Brad Setser, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ, bình luận.

Tình trạng dư cung của Trung Quốc từng gây căng thẳng

Trước đây, việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu để giải quyết tình trạng dư thừa công suất từng gây căng thẳng.

Vào thập niên 2000, các sản phẩm quang điện giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu và Mỹ, khiến một số nhà sản xuất địa phương phá sản. Tình trạng đó đã dẫn đến các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về việc liệu trợ cấp của nhà nước có giúp các công ty trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc cạnh tranh không công bằng hay không. Sản lượng dư thừa tại các nhà máy thép ở Trung Quốc cũng từng gây ra làn sóng đóng cửa ở các nhà máy thép ở các nước phương Tây.

Theo các nhà kinh tế, hiện tại, căng thẳng thương mại do nguồn cung dư thừa ở Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ hơn vì quy mô khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng toàn cầu. Một yếu tố đáng lo ngại nữa là niềm tin giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đang quá thấp.

Ngoài ra, triển vọng dài hạn kinh tế của Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn, với dân số già, nợ công khổng lồ và lĩnh vực bất động sản khó có thể phục hồi mạnh mẽ.

Nhiều nhà kinh tế kêu gọi Bắc Kinh hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng trong nước. Điều này có thể giúp giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa. Thay vào đó, giới lãnh đạo Trung Quốc tập trung bơm thêm tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp và làm bất cứ điều gì có thể để kích thích xuất khẩu.

“Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc dường như đã quyết định rằng tốt hơn hết là tập trung nguồn lực cho mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất và đầu tư vốn mang lại tăng trưởng nhanh chóng trong quá khứ”, Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi của Absolute Strategy Researc, có trụ sở tại London, cho biết.

Ông cảnh báo, phần còn lại của thế giới có thể không thể hấp thụ thêm hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Ô tô là chiến trường

Theo một báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu Rhodium Group, với hơn 100 thương hiệu ô tô, nhiều trong số đó không có lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng doanh số trong nước chậm lại, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc có động cơ mạnh mẽ để tìm kiếm các thị trường sinh lợi hơn ở nước ngoài. Báo cáo cho biết, thị phần xuất khẩu xe điện toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 4% vào năm 2020 lên 21% vào năm 2022.

Theo Schmidt Automotive Research, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trong tổng doanh số xe điện tại EU tăng từ 0,5% vào năm 2019 lên hơn 8% cho đến năm 2023.

Andrew Batson, nhà phân tích của Gavekal, nhận định Trung Quốc cần tìm thêm thị trường cho ô tô truyền thống chạy bằng xăng khi người tiêu dùng trong nước chuyển sang xe điện. Theo Batson, xuất khẩu ô tô chạy xăng của Trung Quốc đã tăng gấp sáu lần trong ba năm qua.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có năng lực sản xuất ô tô động cơ đốt trong rất lớn. Nếu nhu cầu trong nước suy yếu, các nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng có nguy cơ dừng hoạt động.

Batson nói: “Để duy trì duy trì năng lực đó, họ ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu với giá thấp”.

Căng thẳng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Gần đây, các nhà sản xuất phương Tây bày tỏ lo ngại về các sản phẩm năng lượng tái tạo giá rẻ, bao gồm tuốc-bin gió và tấm pin mặt trời của Trung Quốc

Theo Ember, một tổ chức tư vấn năng lượng độc lập ở Anh, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc tăng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 114 GW, tương đương với tổng công suất lắp đặt tấm pin mặt trời của Mỹ.

Gunter Erfurt, CEO của Meyer Burger Technology, nhà sản xuất pin mặt trời và tấm mô-đun năng lượng mặt trời, trụ sở ở Thụy Sĩ, cho biết, tại châu Âu, giá tấm mô-đun năng lượng mặt trời giảm đến 50% trong vòng 4 tuần bắt đầu từ cuối năm ngoái, dù các yếu tố cơ bản của thị trường hầu như không thay đổi trong thời gian đó. Đối với Erfurt, đó là dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang giảm giá sản phẩm này với “tốc độ chưa từng có” để giành thị phần.

Longi Green Energy Technology, một công ty thiết bị năng lượng mặt trời ở tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc, đã giảm giá hơn 50% cho một loại tấm nền silicon của pin mặt trời khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Li Zhenguo, chủ tịch của công ty này, thừa nhận, giá của một số sản phẩm đã trở nên bất hợp lý và đang giảm xuống mức khiến ngành này không có lãi. Li Zhenguo nói với các nhà đầu tư rằng công ty đã tiếp tục tăng trưởng từ 20%-30% ở nước ngoài trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong năm tới.

Hồi tháng 9, các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời châu Âu đã gửi thư cho giới chức trách ở các nước EU, kêu gọi họ mua hết hàng tồn kho để ngăn chặn làn sóng phá sản mới do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc và nhu cầu chậm lại ở châu Âu.

Nỗi lo của ngành thép

Thép là là một ngành khác đang dư thừa công suất ở Trung Quốc và được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ.

Theo dự báo của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc hồi tháng 7, Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có thể chứng kiến nhu cầu giảm 1,1% trong năm nay so với một năm trước đó, một phần do hoạt động xây dựng nhà ở bị đình trệ. Trong khi đó, hoạt động sản xuất thép của nước này vẫn tiếp tục tăng

Theo Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á ở ngân hàng HSBC, giá xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm khoảng 60% so với một năm trước đó, trong khi khối lượng xuất khẩu thép của nước này tăng 53% trong tháng 10 so với năm 2022.

Để đáp lại kiến nghị từ ngành thép Mỹ, hồi tháng 8, Washington đã công bố mức thuế gần 123% đối với thép tấm mạ thiếc sử dụng để sản xuất hộp thiếc, nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với mức thuế dưới 10% đối với các công ty ở Đức và Canada sản xuất vật liệu này.

Trong một tuyên bố hồi tháng 9, Ulf Zumkley, Chủ tịch Ủy ban thép của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo, tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc, kết hợp với việc sản xuất quá nhiều ở nơi khác, “có thể gây ra khủng hoảng sâu sắc ở ngành thép trong tương lai”.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cang-thang-thuong-mai-gia-tang-tu-viec-trung-quoc-day-manh-xuat-khau-hang-e/