Căng thẳng Mexico-Ecuador: Nhân viên Đại sứ quán Mexico về nước, sự cố ngoại giao tồi tệ nhất Mỹ Latinh?

Ngày 7/4, nhân viên Đại sứ quán Mexico đã rời Ecuador sau khi Mexico cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với quốc gia Nam Mỹ này.

Lực lượng đặc biệt của cảnh sát Ecuador đột nhập vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas, ngày 5/4. (Nguồn: Getty Images)

Việc đình chỉ quan hệ ngoại giao diễn ra sau vụ lực lượng an ninh Ecuador đội nhập vào Đại sứ quán Mexico ở Quito và bắt giữ cựu Phó Tổng thống của quốc gia Nam Mỹ Jorge Glas.

Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Mexico xác nhận, nhân viên đại sứ quán và các thành viên gia đình họ đang trở về nước.

Thông báo của bộ trên nêu rõ, Đại sứ quán Mexico cũng như các cơ quan lãnh sự của nước này tại Ecuador “sẽ đóng cửa vô thời hạn”.

Tổng thống Mexico Lopez Obrador trước đó đã chỉ đạo Ngoại trưởng Alicia Barcena phối hợp để đưa các nhân viên ngoại giao cùng gia đình họ ở Ecuador về nước.

Căng thẳng giữa Mexico và Ecuador là một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất tại Mỹ Latinh trong nhiều năm gần đây, gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực.

Cùng ngày, chính phủ Colombia yêu cầu Honduras, quốc gia đảm nhiệm chức Chủ tịch Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) triệu tập một cuộc họp bất thường để thảo luận về vụ việc này.

Vụ bắt giữ ông Jorge Glas tại Đại sứ quán Mexico xảy ra rạng sáng 6/4 theo giờ địa phương, vài tiếng trước khi ông này được Tổng thống Mexico chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị.

Ông Glas là Phó Tổng thống Ecuador nhiệm kỳ 2013-2018, bị kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì cáo buộc nhận hối lộ và liên quan vụ án tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil) - vụ hối lộ lớn mà nhiều quan chức tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh dính líu.

Ông Glas mới hoàn thành 5 năm tù, được trả tự do vào năm 2022 và sau đó bị lệnh bắt giữ lại hồi tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến khi bị bắt, ông Glas vẫn tị nạn tại Đại sứ quán Mexico ở Quito.

Cơ sở ngoại giao hoặc lãnh sự của một nước là “bất khả xâm phạm” theo Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao. Các cơ quan thực thi pháp luật của nước sở tại không được phép vào nếu không có sự cho phép của đại sứ.

Tuy nhiên, công ước này cũng nói rằng, không nên sử dụng các cơ sở này theo bất kỳ cách nào “không phù hợp” với các chức năng ngoại giao và lãnh sự.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-mexico-ecuador-nhan-vien-dai-su-quan-mexico-ve-nuoc-su-co-ngoai-giao-toi-te-nhat-my-latinh-267087.html