Cần Thơ trong tháng triều cường lịch sử

TP Cần Thơ vừa trải qua tháng triều cường lịch sử, khi mực nước cao nhất được ghi nhận trên trạm sông Hậu đạt 2,27 m, cao nhất từ trước tới nay.

Trong tháng 10, TP Cần Thơ trải qua 2 đợt triều cường lớn. Mực nước cao nhất được ghi nhận trên trạm sông Hậu đạt 2,27 m, qua đó thiết lập đỉnh triều mới khi cao hơn đợt triều cường lịch sử năm 2019 là 0,02 m.

Đỉnh triều cường lịch sử 2,27 m được ghi nhận trong ngày 12/10 khiến ngành chức năng và người dân TP Cần Thơ không khỏi bất ngờ. Những dự báo trước đó của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ về mực triều cường trong tháng 10 chỉ vượt báo động 3, không đạt ngưỡng triều lịch sử 2,25 m trong năm 2019.

Ngập chưa từng thấy

Khi mực nước trên sông Hậu tiếp tục lên nhanh bất thường và thiết lập đỉnh triều lịch sử, người dân Cần Thơ bắt đầu cảm thấy lo lắng về một kịch bản không mong muốn. Đó là triều cường kết hợp đồng thời với mưa lớn.

Sáng 13/10, cơn mưa như trút nước kéo dài khoảng 3 giờ ngay lúc triều cường khiến nội ô TP Cần Thơ chìm trong biển nước. Đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều được ghi nhận ngập nặng nhất, mực nước tại một số đoạn dâng lên gần 1 m, khiến người dân không thể di chuyển vì xe chết máy.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Trương Định, Đề Thám, Mậu Thân, Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo...

 Đường Lý Tự Trọng trong cơn mưa kết hợp triều cường sáng 13/10.

Đường Lý Tự Trọng trong cơn mưa kết hợp triều cường sáng 13/10.

Đây cũng là thời điểm Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ ghi nhận mực nước ngập tại nội ô sâu nhất từ trước tới nay.

- Cố đẩy xe vào vỉa hè thôi chị!

- Cố lên!

Một chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC&CNCH, Công an TP Cần Thơ vừa đẩy giúp chiếc xe chết máy của một phụ nữ, vừa nói lớn trên đường Lý Tự Trọng. Cả hai loay hoay trong làn nước ngập khoảng 10 phút mới đưa được xe máy lên vỉa hè.

Mưa ngớt dần, khiến người dân dễ dàng nhìn rõ đường Lý Tự Trọng, Trương Định, Huỳnh Cương và nhiều tuyến đường lân cận bị cô lập trong biển nước.

 Đường Trương Định ngập nặng trong đợt triều cường giữa tháng 10 vừa qua.

Đường Trương Định ngập nặng trong đợt triều cường giữa tháng 10 vừa qua.

Sống chung với "lũ"

Trong đợt triều cường cuối tháng 10 diễn ra mấy ngày qua, kịch bản ngập nước một lần nữa lặp lại nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, trên đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều.

Trước đó, trong đợt triều cường giữa tháng 10, nơi này cũng lênh láng nước. Hoạt động khám, chữa bệnh của y, bác sĩ và bệnh nhân gặp nhiều trở ngại.

Sáng 10/10, thượng úy Nguyễn Thành Thắng, Công an phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cõng một người bệnh băng qua đường Trần Hưng Đạo để vào Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ. Đây cũng là ngày đầu tiên trong tháng 10 triều cường gây ảnh hưởng tại TP Cần Thơ.

Mọi thứ bị chia cắt trong làn nước ngập. Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ cũng là một trong những nơi bị ngập nặng nhất khi đó.

 Nước ngập bên trong Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.

Nước ngập bên trong Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.

Sáng 28/10, ông Tô Hiếu Đời (69 tuổi), ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, ngồi trên giường bệnh vì nước ngập lênh láng. Ngay cạnh là vợ ông - bà Đồng Thị Tuyết nhập viện gần một tuần qua để điều trị triệu trứng bệnh tiểu đường.

 Bác sĩ thăm khám cho bà Tuyết khi triều cường rút bớt.

Bác sĩ thăm khám cho bà Tuyết khi triều cường rút bớt.

"Vợ tôi than đói từ sớm. Hơn 8h sáng mà nước chưa rút nên tôi không thể ra ngoài để mua cháo. Nhìn cảnh đường Trần Hưng Đạo toàn xe chết máy rất ngán", ông Đời chia sẻ.

 Đôi dép của bà Tuyết được để trên ghế cao cho không phải trôi dạt khi nước triều lên.

Đôi dép của bà Tuyết được để trên ghế cao cho không phải trôi dạt khi nước triều lên.

Đôi dép tổ ong của bà Tuyết được nhân viên Bệnh viên Tim mạch Cần Thơ cho mượn tạm để dùng trong những ngày nằm viện. Không chỉ riêng bà Tuyết, những bệnh nhân khác cũng được nhận đôi dép tương tự. Ai xuất viện sẽ trả lại dép để những người bệnh khác dùng trong những ngày triều cường.

Nước ngập lênh láng trong những ngày qua khiến y, bác sĩ Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ ít khi mặc blouse trắng. Mọi người mặc y phục thường, xoắn quần cao để lội nước hoặc đi giày ống. Theo một y tá, việc này ban đầu không ảnh hưởng nhiều, nhưng càng về sau phát sinh nhiều bất tiện. Nhất là khi chân và y phục thường xuyên ướt sũng.

Mực nước dâng cao tràn vào nhà người dân. Mọi người ứng phó bằng cách dùng những bao cát, những tấm nhựa để che chắn trước cửa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì thực tế nước triều vẫn tuôn vào phía trong.

 Người dân Cần Thơ chật vật vì nước triều cường dâng cao, tràn vào nhà.

Người dân Cần Thơ chật vật vì nước triều cường dâng cao, tràn vào nhà.

Người dân tiếp tục thực hiện phương án B, đó là dùng máy bơm nhỏ để hút nước ngập từ nhà ra phía ngoài. Việc này được mọi người áp dụng thường xuyên để kiểm soát mực nước, nhằm bảo vệ tài sản cá nhân.

Trong những ngày đầu diễn ra đợt triều cường trong tháng 10, người dân TP Cần Thơ còn reo vui, đùa nghịch trong dòng nước ngập.

Một số người nói ví von đây là "đặc sản" của vùng đất Tây Đô trũng thấp.

Người Cần Thơ bắt đầu sợ triều cường

Hai đợt triều cường trong tháng 10 tại TP Cần Thơ kéo dài khoảng 10 ngày. Khi mực nước càng lên cao, số giờ ngập mỗi ngày vào sáng sớm và chiều tối tại hầu hết khu vực nội ô cũng tăng lên khiến người dân bắt đầu lo lắng.

 Trên đường Mậu Thân, người dân đứng chờ nhiều giờ vì nước ngập sâu không thể di chuyển.

Trên đường Mậu Thân, người dân đứng chờ nhiều giờ vì nước ngập sâu không thể di chuyển.

"Tôi chỉ có thể chờ nước rút mới đi lại được trên đường. Chân tôi yếu khớp, rất bất tiện", bà Hạnh, người dân ngụ đường Trần Hưng Đạo, cho biết.

 Bà Hạnh không thể di chuyển vì đường ngập nước.

Bà Hạnh không thể di chuyển vì đường ngập nước.

Tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến hầu hết tiểu thương buôn bán dọc các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ. Nhiều người cho biết những tháng gần đây, triều cường khiến việc buôn bán của họ rất ế ẩm.

"Chúng tôi phải thuê mặt bằng để kinh doanh, hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên hiện tại, một tháng chúng tôi thường gánh chịu hai đợt triều cường mất khoảng 10 ngày, không làm ăn được gì", bà Xuân cho biết.

 Nhiều hàng quán tại TP Cần Thơ lâm cảnh ế ẩm vì triều cường.

Nhiều hàng quán tại TP Cần Thơ lâm cảnh ế ẩm vì triều cường.

Quán ăn của gia đình ông Minh tại hẻm 96 Nguyễn Thần Hiến (quận Ninh Kiều) thường xuyên đóng cửa vì ngập nước. Ông nói rằng với diễn biến triều cường hiện nay, rất khó để gia đình ông bám nghề. Trong khi, Nguyễn Thần Hiến luôn được xem là con đường trũng thấp bậc nhất Cần Thơ.

 Ông Minh lo lắng vì việc kinh doanh của gia đình gặp khó do triều cường.

Ông Minh lo lắng vì việc kinh doanh của gia đình gặp khó do triều cường.

Chập tối trong đợt đỉnh triều lịch sử giữa tháng 10, bà Trinh, ngụ đường Nguyễn Thần Hiến chỉ chừa duy nhất một bóng đèn được sạc sẵn để thắp sáng. Bà tắt hết thiết bị điện gia dụng để tránh nguy cơ chập điện khi nước tràn vào nhà.

 Bà Trinh tắt hết thiết bị điện trong nhà, chỉ dùng duy nhất bóng đèn năng lượng để tránh sự cố chập điện.

Bà Trinh tắt hết thiết bị điện trong nhà, chỉ dùng duy nhất bóng đèn năng lượng để tránh sự cố chập điện.

Bà nói rằng hiện tại, bà bắt đầu có cảm giác bất an, lo lắng khi triều cường lên. "Những năm trước, triều cường thấp, chúng tôi không phải chật vật ứng phó. Tuy nhiên, nước triều lên cao thất thường những tháng gần đây khiến ai cũng lo lắng", bà Trinh nói.

Người dân ứng phó với triều cường bằng cách kê cao vật dụng, che chắn trước nhà để ngăn nước tràn vào. Chính quyền TP Cần Thơ huy động nhiều lực lượng tình nguyện như công an, bộ đội, các đoàn thể cùng giúp người dân trong những ngày triều cường đạt đỉnh.

 Đội tình nguyện viên dùng ôtô chuyển xe chết máy đi qua đoạn đường ngập ở TP Cần Thơ.

Đội tình nguyện viên dùng ôtô chuyển xe chết máy đi qua đoạn đường ngập ở TP Cần Thơ.

Những phần việc giúp đỡ thường là hỗ trợ đẩy xe qua đoạn đường ngập, sửa chữa xe máy miễn phí, giúp bệnh nhân tại các khu bệnh viện ngập nước...

Tuy nhiên, dễ nhận thấy TP Cần Thơ chưa có những giải pháp căn cơ nhất để ứng phó triều cường. Nhiều chuyên gia từng hiến kế cho Cần Thơ cần đầu tư hệ thống bơm, thoát nước, làm bờ bao, bờ kè, nâng đường... Tuy nhiên, các hạng mục hầu hết vẫn nằm trên giấy, hoặc đang thực hiện dang dở, chưa đạt kỳ vọng.

Hoàng Giám - Trương Khởi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-tho-trong-thang-trieu-cuong-lich-su-post1369875.html