Cần thêm trợ lực vốn cho doanh nghiệp

Ngày 25-4, tại diễn đàn kinh tế do Báo Người Lao Động tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho biết, tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, xuất nhập khẩu có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao.

Trước đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, kết quả khảo sát doanh nghiệp quý 1/2024 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với tỷ lệ 51,1%. Số còn lại chia đều cho số doanh nghiệp tăng và giảm. Các doanh nghiệp năng động, nắm bắt xu thế chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chuyển dịch sang khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như Đông Nam Á hoặc châu Phi sẽ ít chịu rủi ro hơn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, tính chung quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận có tín hiệu tích cực, đạt 2 tỷ USD, tăng 17%.

“So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng đã tăng 9,6%, đạt 9,5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi lại đơn hàng sau một thời gian đứt gãy đơn” ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm.

Các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự diễn đàn

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức lớn do tình trạng xung đột địa chính trị làm đứt gãy nhiều tuyến vận chuyển hàng hải quốc tế, đáng kể nhất tại khu vực Biển Đỏ. Điều này đã đẩy chi phí logistics leo thang từ hơn 50% - 130%, kéo theo những chi phí khác như nguyên vật liệu, sản xuất, thành phẩm tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ vốn lãi suất thấp, đặc biệt là tín dụng xanh để tái đầu tư dây chuyền sản xuất, tăng hàm lượng công nghệ cao và yếu tố xanh hóa trong cơ cấu sản phẩm để giảm chi phí sản xuất, từ đó gia tăng nội lực cạnh tranh trên thị trường.

Tại diễn đàn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang trình sửa luật tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn theo hướng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, giãn, hoãn khoản nợ doanh nghiệp, triển khai nhiều gói tín dụng, chính sách ưu đãi để đa dạng nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên chính sách tín dụng cho những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như cà phê, nông sản, lúa gạo, thủy sản…

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh thêm, hiện đang có nhiều nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất rất thấp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có chính sách huy động nguồn vốn này và đưa vào hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh. Riêng tại các địa phương, cần xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xanh, trong đó cụ thể và minh bạch mức thuế, phí được giảm để tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi nhanh sản xuất nhằm bắt kịp xu hướng mới trong đầu tư và khai thác thị trường hiện nay.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-them-tro-luc-von-cho-doanh-nghiep-post737025.html