CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHẾ TÀI XỬ LÝ, CƠ CHẾ THEO DÕI VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT, KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT

Góp ý vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), các đại biểu, chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần quy định rõ ràng, cụ thể về chế tài xử lý đối với các chủ thể chịu sự giám sát khi thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát, đồng thời cần thiết quy định về cơ chế theo dõi thực hiện các các kết luận, kiến nghị giám sát để định kỳ theo dõi và cập nhật tiến độ thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.

Góp ý vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), các đại biểu, chuyên gia cơ bản bày tỏ sự thống nhất cao với Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và Đề cương chi tiết của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các ý kiến cho rằng, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Hoạt động giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn nhất định và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để từng bước hoàn thiện và đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND dân các cấp.

Quan tâm đến những vướng mắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thời gian qua, đa số các ý kiến góp ý về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát của các chủ thể chịu sự giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh

Theo đánh giá, Tờ trình đề nghị xây dựng Luật đã nêu rất rõ: “Nhiều chủ thể chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không kịp thời, không đầy đủ các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh bày tỏ đồng tình với đánh giá này.

Cần quy định rõ chế tài xử lý việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát

Cho rằng dù Luật hiện hành đã quy định chế tài xử lý khi các chủ thể chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng, tuy nhiên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh đề nghị cần có quy định rõ hơn, cụ thể hơn chế tài xử lý.

“Do đó, nên quy định khi ban hành các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát thì đối tượng chịu sự tác động thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đó có quyền báo cáo, giải trình lại các nội dung đã được yêu cầu, đã được kiến nghị, đã được kết luận. Và khẳng định các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát đó đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn thì bắt buộc phải thực hiện. Lúc đó không thực hiện thì mới bị xử lý theo quy định”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị cần có quy định về cơ chế phối hợp giữa các chủ thể giám sát với các cơ quan khác có liên quan (như cơ quan của Đảng, cơ quan của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương, các cơ quan hữu quan…) yêu cầu tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát cần có sự thông tin, phối hợp đồng bộ trong cơ chế xử lý.

Cùng với đó, cần có quy định việc yêu cầu trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các chủ thể giám sát khi đưa ra các báo cáo, kết luận, yêu cầu, kiến nghị không phù hợp với quy định pháp luật, không chính xác, không khách quan về những nội dung đã giám sát. Nhất là việc cố ý kết luận không đúng cũng cần quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với chủ thể giám sát này.

Cần quy định cụ thể về công bố các kết luận, kiến nghị giám sát

Đồng tình với quan điểm trên, TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập cho rằng, Luật Hoạt động giám sát hiện nay chưa quy định được cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chế tài trong thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Trong Luật hiện hành, chỉ có duy nhất Điều 89 quy định về đảm bảo việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Nhưng nội dung Điều 89 chưa quy định được chi tiết về cơ chế và chế tài để đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Cụ thể:

TS.Phạm Thái Hưng, Chuyên gia độc lập

- Khoản 1, Điều 89 quy định đăng tải kết luận, kiến nghị giám sát trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, không quy định các biện pháp khác để thông báo đến các bên liên quan về kết luận, kiến nghị giám sát.

- Khoản 2, Điều 89 quy định “Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện”, nhưng chưa có giải thích rõ thế nào là “có giá trị pháp lý bắt buộc”. TS. Phạm Thái Hưng bày tỏ băn khoăn, giá trị pháp lý bắt buộc ở đây có thể được hiểu theo nghĩa Nghị quyết giám sát là một dạng văn bản quy phạm pháp luật hay một hình thức giá trị pháp lý, trách nhiệm pháp lý nào khác?

“Nếu như đã có “giá trị pháp lý” thì trong trường hợp đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện Nghị quyết giám sát thì có được coi là đã vi phạm pháp luật hay không (vì không thực hiện theo nội dung “có giá trị pháp lý bắt buộc”)? Và nếu là vi phạm pháp luật thì việc truy cứu trách nhiệm sẽ thực hiện theo cơ sở nào, theo luật nào? Đây là những vấn đề rất khó và phức tạp. Nhưng nếu không giải quyết một cách cơ bản trong Luật thì sẽ khó để Nghị quyết giám sát có hiệu lực thực thi”, TS.Phạm Thái Hưng phân tích.

- Khoản 3, Điều 89 quy định trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhưng không rõ “xử lý theo thẩm quyền” là như thế nào. Ngoài ra, nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự giám sát của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương mà HĐND không đủ thẩm quyền để xử lý việc không thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát mà phải “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” thì cơ quan này sẽ là cơ quan nào, hiện không quy định rõ ràng.

Vì vậy, để tăng hiệu lực của các kết luận, kiến nghị giám sát, đảm bảo giám sát thực chất và có hiệu quả, TS.Phạm Thái Hưng đề nghị cần thiết phải quy định cụ thể về công bố các kết luận, kiến nghị giám sát. Thay vì chỉ công bố kết luận, kiến nghị giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần có những kênh công bố thông tin phong phú và có hiệu quả hơn để đảm bảo kết luận, kiến nghị giám sát được thông báo đến các bên có liên quan, là nền tảng để các bên liên quan có thể theo dõi tiến độ, kết quả của việc thực hiện các kết luận, khuyến nghị giám sát.

Đồng thời cần thiết quy định về cơ chế theo dõi thực hiện các các kết luận, kiến nghị giám sát để định kỳ theo dõi và cập nhật tiến độ thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. HĐND là cơ quan giám sát nên HĐND là cơ quan phù hợp để xây dựng và quản lý hệ thống theo dõi thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. TS.Phạm Thái Hưng cho rằng, hệ thống này gồm các kết luận, kiến nghị giám sát từ các hoạt động giám sát của HĐND, cho phép theo dõi, cập nhật được tiến độ triển khai thực hiện. Với số lượng khá lớn các hoạt động giám sát trong một nhiệm kỳ của HĐND, việc xây dựng hệ thống theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát là rất cần thiết.

Cần quy định cụ thể hơn về cơ chế theo dõi, đôn đốc, hình thức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các các kết luận, kiến nghị giám sát

Bà Nhật Lệ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng

Qua tổng kết 7 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Nhật Lệ cho biết, tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo và kiến nghị các nội dung đề xuất nhằm sửa đổi Luật này.

Về cơ bản, qua giám sát chuyên đề có kết luận, kiến nghị sau giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng nhận thấy, việc tổ chức thực hiện của các cơ quan Nhà nước thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì hiện nay chưa có chế tài. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể nội dung này trong việc sửa đổi Luật lần này.

“Ở đây cần có chế tài sau bao lâu, bao nhiêu ngày thì các cơ quan phải thực hiện các nghị quyết, yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND. Do đó, cần có quy định rõ ràng để có căn cứ, cơ sở đôn đốc, nhắc nhở nhằm tăng cường hiệu quả giám sát”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng kiến nghị.

Đồng thời qua giám sát phát hiện những vấn đề vi phạm pháp luật và chuyển cho cơ quan thanh tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng đề nghị cần có quy định chế tài thực hiện khi cơ quan thanh tra nhận được đề nghị của HĐND hoặc cơ quan của Quốc hội thì trong phạm vi bao nhiêu ngày, thanh tra phải báo cáo lại vấn đề này có thực hiện thanh tra hay không, hoặc nếu không thanh tra thì lí do là gì. Vì thực tiễn hiện nay Luật chưa quy định cụ thể nội dung này.

Cùng quan điểm, TS.Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát của HĐND bảo đảm cho việc tuân thủ nghiêm chỉnh các kết luận sau giám sát của các đối tượng chịu sự giám sát.

TS.Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

TS.Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, cần phân biệt rõ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân với hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm sát của các cơ quan Nhà nước như: Ủy ban nhân dân, thanh tra Nhà nước, thanh tra ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân để tránh sự chồng chéo trong giám sát, gây phiền hà cho cơ quan Nhà nước hoặc bỏ trống vấn đề cần giám sát. Nghiên cứu các hình thức chế tài xử lý phù hợp để trao cho HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Đây là vấn đề hết sức quan trọng không những thể hiện hiệu quả công tác giám sát mà còn biểu hiện tính quyền lực nhà nước của HĐND.

Đặc biệt, cần quy định cụ thể hơn về hình thức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quyết định xử lý sau giám sát, kiểm tra của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và của đại biểu HĐND. TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhận thấy, đây là công việc quan trọng và cần thiết để làm rõ hơn việc sửa chữa của đối tượng bị xử lý như thế nào, được theo dõi, đôn đốc và thời gian giải quyết ra sao.

Hiệu quả giám sát của HĐND thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị qua giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Chất lượng và hiệu lực giám sát càng cao thì hiệu quả hoạt động giám sát sẽ càng cao. TS.Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát là rất cần thiết. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và cơ quan, đơn vị thực hiện phải báo cáo kết quả thực hiện đến HĐND theo quy định./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86495