CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ VỀ CHỨC NĂNG GIÁM SÁT CỦA HĐND VÀ CÁC CƠ QUAN CỦA HĐND NHẰM TRÁNH CHỒNG CHÉO

Bàn về một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập cho rằng, để tránh sự chồng chéo giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và tăng hiệu lực của công tác giám sát, cần phân định lại một cách rõ ràng về chức năng giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND, đồng thời cân nhắc xây dựng một chương trình giám sát chung của HĐND.

CẦN HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Nhiều hoạt động giám sát chồng chéo giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND

Đề cập một số vướng mắc cần sửa đổi trong hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập nhận thấy, do chưa có sự quy định rõ ràng phân biệt giữa hoạt động giám sát của HĐND với các hoạt động thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cũng như chưa có sự phân định rõ ràng về vai trò giám sát của HĐND các cấp nên hiện nay, nhiều hoạt động giám sát của HĐND có xu hướng chồng chéo trong cùng một cấp HĐND. Cụ thể:

TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập

- Giám sát chuyên đề: là hoạt động giám sát của cả HĐND (khoản 4, Điều 57), Thường trực HĐND (khoản 3, Điều 66), và của các Ban của HĐND (khoản 3, Điều 76). Nội dung hướng dẫn về giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND về cơ bản giống nhau (chỉ khác ở chủ thể của giám sát và tương ứng với chủ thể giám sát, quy trình có đôi chút khác biệt nhưng nội dung giống nhau).

- Giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của HĐND dưới: là hoạt động giám sát của cả HĐND (khoản 3, Điều 57), Thường trực HĐND (khoản 1, Điều 66), và của các Ban của HĐND (khoản 2, Điều 76). Trong khi đó, các điều khoản hướng dẫn về hoạt động giám sát này về cơ bản cũng giống nhau (chỉ khác đôi chút về trình tự do thẩm quyền khác nhau của các chủ thể giám sát).

TS.Phạm Thái Hưng nhận thấy, những quy định về nội dung giám sát giống nhau, quy trình giám sát cơ bản giống nhau dẫn đến thực tế là nhiều hoạt động giám sát được thực hiện bởi các HĐND và các cơ quan của HĐND không có nhiều khác biệt về nội dung, cách thức triển khai… Sự khác biệt chỉ xuất phát từ thẩm quyền của chủ thể giám sát. TS.Phạm Thái Hưng phân tích, HĐND có thẩm quyền cao hơn Thường trực và các Ban, vì vậy các kết luận giám sát, kiến nghị giám sát cũng có sức ảnh hưởng cao hơn so với của Thường trực và các Ban. Nhưng trong triển khai, ngay cả các đại biểu HĐND tại các tỉnh khảo sát cũng cho rằng, các hoạt động giám sát nói trên cơ bản không có sự khác biệt.

Do đó, cùng là đại biểu HĐND tỉnh nhưng thường được huy động tham gia vào nhiều hoạt động giám sát như nhau (giám sát chuyên đề, giám sát quyết định của UBND, Nghị quyết của HĐND…) nhưng quá trình thực hiện không có sự khác biệt đáng kể.

TS.Phạm Thái Hưng chỉ rõ, quy định về nội dung giám sát giống nhau dẫn đến sự chồng chéo về xây dựng chương trình giám sát. HĐND đã có chương trình giám sát chung. Từ chương trình giám sát đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND lại xây dựng những chương trình giám sát “con”, với các hoạt động và nội dung giám sát trên nền tảng hoạt động và nội dung giám sát trong chương trình giám sát của HĐND.

“Sự chồng chéo là một vấn đề cần lưu ý trong điều kiện còn có các hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra theo lĩnh vực; thanh tra và kiểm toán của các cơ quan chuyên ngành… Do vậy, tại các địa phương khảo sát, chính việc có quá nhiều hoạt động giám sát cũng làm giảm đi hiệu lực giám sát”, TS. Phạm Thái Hưng phân tích.

Cần phân định rõ ràng về chức năng giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND

Vì vậy, để khắc phục những vướng mắc nêu trên, TS.Phạm Thái Hưng đề nghị cần có sự phân định lại một cách rõ ràng về chức năng giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND (Thường trực HĐND, các Ban của HĐND) để tránh sự chồng chéo và tăng hiệu lực của công tác giám sát. Cụ thể:

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Điện Biên giám sát chuyên đề (Ảnh minh họa)

- Với hoạt động giám sát chuyên đề: Cần cân nhắc để không tiếp tục phân biệt giữa giám sát chuyên đề của HĐND, của Thường trực HĐHD, và các Ban của HĐND. Thay vào đó, giám sát chuyên đề do HĐND thực hiện. Tùy từng tính chất và mức độ phức tạp của vấn đề giám sát mà HĐND có thể quyết định nội dung giám sát chuyên đề là giám sát của HĐND hay giao cho Thường trực HĐND hoặc các Ban của HĐND thực hiện.

- Với hoạt động giám sát các quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới: Cân nhắc theo hướng đây là hoạt động giám sát của HĐND. Tùy theo tầm quan trọng và mức độ phức tạp, HĐND sẽ giao Trường trực HĐND hoặc các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, hoặc đại biểu triển khai thực hiện.

- Đối với Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND: Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân ở cơ sở, do đó, cân nhắc để quy định hoạt động giám sát Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tập trung vào giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, và kiến nghị của cử tri. Việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, và kiến nghị của cử tri của Ban của HĐND (khoản 4, Điều 76) và Thường trực HĐND (khoản 5, 6 Điều 66) nên được giao lại cho giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND.

Cân nhắc xây dựng một chương trình giám sát chung của HĐND

Cùng với đó, TS.Phạm Thái Hưng đề nghị cân nhắc xây dựng một chương trình giám sát chung của HĐND, trong đó xác định rõ hoạt động giám sát nào do HĐND thực hiện, hoạt động nào do Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, và đại biểu HĐND thực hiện. Việc xây dựng chung một kế hoạch giám sát sẽ là nền tảng quan trọng để các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, và đại biểu HĐND được thực hiện một cách hài hòa, tránh tình trạng dồn hoạt động giám sát vào những giai đoạn nhất định trong năm. Bên cạnh đó, một kế hoạch giám sát chung cũng sẽ là cơ sở để tăng cường tính phối hợp, giảm thiểu khả năng trùng lắp về nội dung, địa bàn giám sát.

Đồng thời cần lưu ý rằng đề xuất này không mâu thuẫn với đề xuất về quy định giám sát là một quyền của HĐND, do đó cần quy định theo hướng đảm bảo đầy đủ nhất quyền giám sát của HĐND, trong đó tập trung về cách thức “phân công” nhiệm vụ giám sát trong cơ cấu tổ chức của HĐND (giữa HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND) để hạn chế sự chồng chéo về hoạt động giám sát trong cơ cấu tổ chức của HĐND./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86075