Cần năng lực tư vấn 'đủ lớn'

Thời điểm này các trường THCS tăng tốc tư vấn cho học sinh cuối cấp theo chủ trương phân luồng hướng nghiệp.

Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, sau khi học xong lớp 9, học sinh có quyền vào các cơ sở giáo dục khác nhau như: Học lớp 10 THPT công lập, ngoài công lập; trường nghề; các trung tâm giáo dục thường xuyên… Thầy cô không chỉ định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau lớp 9 vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, mà còn giúp các em hiểu được năng lực, sở trường, nguyện vọng và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội để có lựa chọn đúng đắn.

Những năm qua, hoạt động tư vấn phân luồng hướng nghiệp sau THCS được các nhà trường quan tâm, đã góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, so với yêu cầu, thực tiễn phân luồng hướng nghiệp sau THCS còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân do chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động này không đảm bảo về số và chất lượng; nhiều địa phương chưa có đủ hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút học sinh; thông tin về thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ, công khai, nên khó thuyết phục học sinh và phụ huynh tham gia. Đáng chú ý nhất là đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn chưa được đào tạo bài bản nên còn hạn chế về năng lực.

Thực tế hiện nay tại các trường THCS, người trực tiếp làm công tác tư vấn và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh là giáo viên chủ nhiệm, những người kinh nghiệm về tư vấn và kiến thức về phân luồng hướng nghiệp chưa thực sự thành thạo. Đa số thầy cô tham gia tư vấn chỉ dừng lại ở sở thích, năng lực của học sinh mà chưa thuyết phục được về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Dễ dàng nhận thấy trong các vụ việc phụ huynh tố “ép” học sinh không thi vào lớp 10 gần đây, giáo viên, nhà trường nói học sinh không nên thi vào lớp 10 nhưng lại không chỉ dẫn cho các em cần đi đâu, làm gì tiếp theo hoặc không có định hướng rõ ràng. Trong lúc kiến thức, nghiệp vụ tư vấn của giáo viên còn hạn chế thì không ít nhà trường đặt nặng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, khiến thầy cô áp lực, buộc phải định hướng học sinh tập trung vào luồng THPT, xem nhẹ luồng khác, hoặc có những cách thức tư vấn thiếu tế nhị khiến dư luận bức xúc.

Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Phân luồng hướng nghiệp, như PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói, chỉ đạt hiệu quả khi giáo viên, cán bộ quản lý “giúp học sinh biết về thế mạnh của mình, khiến các em hiểu được bản thân hợp với cái gì, có thể làm được gì, ai có thể hỗ trợ và xã hội sẽ đón nhận các em như thế nào”. Để làm được điều này cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên THCS về nghiệp vụ tư vấn.

Hiện Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thời lượng 105 tiết/1 năm học, trong đó thời lượng dành riêng cho hoạt động hướng nghiệp cấp THCS 20% (21 tiết). Như vậy, xét riêng hoạt động hướng nghiệp cũng có thể cơ cấu mỗi trường một giáo viên chuyên môn. Vì thế cần nghiên cứu để có biên chế riêng cho giáo viên phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để công tác này thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả.

Những yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng “đủ lớn” sẽ giúp giáo viên có đủ năng lực hướng nghiệp và nâng cao chất lượng công tác này, góp phần thực hiện thành công đề án của Chính phủ về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong giáo dục phổ thông.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-nang-luc-tu-van-du-lon-post680482.html