Cần có giải pháp đồng bộ để kiềm chế tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, thời gian qua tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số vụ TNGT ở khu vực nông thôn lại có chiều hướng gia tăng với mức báo động (chiếm 27% tổng số các vụ tai nạn). Thực tế trên đây đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt nhằm góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, thời gian qua tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số vụ TNGT ở khu vực nông thôn lại có chiều hướng gia tăng với mức báo động (chiếm 27% tổng số các vụ tai nạn). Thực tế trên đây đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt nhằm góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Đã gần 1 tháng trôi qua, nhưng người dân thôn Bùi, xã Hưng Công (Bình Lục) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm vì TNGT của 2 thanh niên Nguyễn Văn T., Nguyễn Quang H. ở xã Nhân Chính và xã Bắc Lý (Lý Nhân). Theo lời kể của một số người dân sinh sống ở gần khu vực xảy ra tai nạn, khoảng 13 giờ ngày 17/1/2023, mọi người nghe thấy một tiếng “rầm” tại chân cầu Châu Giang, khi chạy ra thì thấy 2 thanh niên điều khiển xe máy đâm vào một xe ô tô tải đi ngược chiều nằm bất động, xe máy văng cách đó khoảng 10m. Người dân nhanh chóng báo tin cho công an xã và gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, khi lực lượng công an xã và xe cứu thương đến hiện trường thì anh T. đã tử vong tại chỗ, còn anh H. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam nhưng do bị vỡ xương sọ não, gãy chân phải… nên đã tử vong vào chiều cùng ngày.

Trước đó, tại khu vực Thôn 4, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cũng xảy ra vụ TNGT khiến một người tử vong tại chỗ. Khoảng 23 giờ tại tuyến kênh C9 (chạy qua địa bàn xã Nhân Nghĩa), người dân phát hiện một xe máy và nam thanh niên nằm bất động dưới lòng kênh. Được người dân báo tin, lực lượng công an và chính quyền địa phương tới hiện trường thì nạn nhân đã tử vong. Kiểm tra giấy tờ tùy thân, lực lượng chức năng xác định đó là anh Trần Tuấn A., một người dân sống tại địa phương. Qua khám nghiệm hiện trường, thu thập tài liệu, chứng cứ, lực lượng chức năng xác định, anh Trần Tuấn A. tử vong do trước đó đã sử dụng rượu bia, khi qua đoạn đường này, không làm chủ tốc độ đã đâm vào cột mốc bên đường và rơi xuống mương. Cú va đập mạnh khiến anh Trần Tuấn A. tử vong tại chỗ.

Thanh niên đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm dàn hàng ngang trên đường đoạn qua địa bàn xã Bối Cầu, Bình Lục.

Thanh niên đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm dàn hàng ngang trên đường đoạn qua địa bàn xã Bối Cầu, Bình Lục.

Đây là 2 trong số hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại các tuyến giao thông nông thôn của tỉnh thời gian gần đây. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, hằng năm tỷ lệ TNGT xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn chiếm trên 20% tổng số vụ TNGT. Tính từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 128 vụ TNGT ở địa bàn nông thôn, gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản. Riêng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ TNGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn, làm chết 18 người, bị thương 21 người (tăng 7 vụ, 11 người chết so với năm 2019). Cũng qua phân tích của ngành chức năng, năm 2022, TNGT tại khu vực nông thôn chiếm 27% tổng số vụ tai nạn và xếp thứ nhất về TNGT trên các tuyến đường.

Theo phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT ở nông thôn tăng trong thời gian qua chủ yếu là do lái xe chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy điện, chạy quá tốc độ cho phép, chở hàng cồng kềnh, vượt xe sai quy định, lái xe thiếu quan sát, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT làm hàng quán, tập kết vật liệu xây dựng, phơi thóc, thả gia súc tùy tiện trên đường diễn ra ở nhiều địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng TNGT ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các thiết bị phụ trợ, hệ thống biển báo tại một số tuyến đường còn thiếu, không đồng bộ… dẫn đến nguy cơ mất ATGT.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn hạn chế; hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường GTNT chưa được chú trọng… Một thực trạng đáng lo ngại nữa là ở vùng nông thôn có không ít trẻ em chưa đến tuổi được phép điều khiển xe máy nhưng vẫn vô tư điều khiển xe máy chạy trên đường. Các em không chỉ điều khiển xe máy một mình, mà còn chở 2, chở 3, lạng lách, đánh võng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.

Nhằm giảm thiểu TNGT ở khu vực nông thôn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Trước hết cơ quan chức năng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT. Đồng thời, chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên thông qua sinh hoạt chi đoàn, chi hội, trong đó chú trọng phổ biến những quy định của pháp luật về ATGT, như: đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe máy điện; tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ, quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu, bia thì không lái xe. Ngành chức năng cũng cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, tham mưu, đề xuất và triển khai lắp đặt, củng cố, đồng bộ hóa hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT, làm gờ giảm tốc ở một số điểm giao cắt đường phụ với đường chính. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên một số trục đường liên xã, liên thôn.

Lực lượng công an tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm trật tự ATGT ở khu vực nông thôn. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài chứ không chỉ dừng lại ở các đợt ra quân, tháng cao điểm và thực hiện trong những thời gian thường xảy ra TNGT. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra TNGT; tiếp nhận tin báo, tố giác về TNGT xảy ra ở địa bàn nông thôn, những thông tin này cần được phân loại, xử lý kịp thời để phục vụ cho công tác chỉ đạo hoạt động điều tra.

Ngoài ra, việc kiểm soát ATGT ở khu vực nông thôn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng ở cơ sở (công an xã, dân quân tự vệ) và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện cũng như xây dựng các mô hình tự quản về trật tự ATGT. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT, góp phần làm cho hoạt động giao thông ở vùng nông thôn diễn ra an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân.

Quang Huy

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/can-co-giai-phap-dong-bo-de-kiem-che-tai-nan-giao-thong-o-khu-vuc-nong-thon-94587.html