Cải thiện PCI thông qua nâng cao đạo đức công vụ tại Quảng Trị

Bàn về đạo đức công vụ, nghĩa là bàn về mặt 'hồng' trong lời căn dặn về chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên vừa 'hồng', vừa 'chuyên' của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề cập đến đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức là các yêu cầu mang tính nguyên tắc trong thực thi công vụ hướng đến phục vụ Nhân dân.

Nhờ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND xã Hải Thái, huyện Gio Linh luôn đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp -Ảnh: Đ.T

Đạo đức công vụ trong mối quan hệ với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được thể hiện ở các chỉ số thành phần, lĩnh vực cấu thành của PCI. Hiểu cách khác, cán bộ, công chức, viên chức, nếu thực hiện chức trách của mình với trách nhiệm cao nhất, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần cải thiện chỉ số PCI theo đánh giá của người được khảo sát.

Dù tiếp cận góc độ nào với phạm vi rộng, hẹp khác nhau nhưng phải nhận thức đúng bản chất đạo đức của người thực thi công vụ là những chuẩn mực nghề công vụ phải tuyệt đối chấp hành. Như vậy, chất lượng đạo đức công vụ sẽ quyết định chất lượng các chỉ số thành phần, các lĩnh vực cấu thành có liên quan của PCI.

Mối quan hệ trong cải thiện PCI với đạo đức công vụ

Mối quan hệ trong cải thiện PCI và đạo đức công vụ được bài viết tiếp cận thông qua sàng lọc, đề xuất các chỉ số thành phần và yếu tố đo lường của PCI liên quan trực tiếp đến chất lượng đạo đức công vụ; xây dựng mô hình cấu thành đạo đức công vụ trong mối quan hệ với các chỉ số.

Các chỉ số thành phần và lĩnh vực cấu thành của các chỉ số PCI đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp từ chất lượng đạo đức công vụ; trong đó, phân tách các chỉ số thành phần, lĩnh vực cấu thành ảnh hưởng trực tiếp bao gồm 8/10 chỉ số thành phần liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: (i) Gia nhập thị trường; (ii) Tiếp cận đất đai; (iii) Tính minh bạch; (iv) Chi phí thời gian; (v) Chi phí không chính thức; (vi) Cạnh tranh bình đẳng; (vii) Tính năng động của chính quyền tỉnh; (viii) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc cải thiện với các chỉ số thành phần của PCI muốn hiệu quả cần tập trung các chỉ số được gán trọng số cao. Các chỉ số thành phần của PCI gán trọng số liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: Tính minh bạch và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: 20%; Chi phí không chính thức: 10%; Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh: 5%. Cấu thành đạo đức công vụ trong khuôn khổ mối quan hệ với PCI, bao gồm: Trung thực, chính trực; đảm bảo lợi ích công chúng; Minh bạch và công bằng; Trách nhiệm và tận tụy; và Nhân phẩm.

Thực trạng kết quả chỉ số PCI của tỉnh Quảng Trị

Theo kết quả công bố, PCI tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2023: năm 2020 và năm 2021 đạt lần lượt là 63,07 và 63,33 điểm, đều xếp thứ hạng 41/63 tỉnh, thành phố (trước đó giai đoạn 2016-2020 cơ bản xếp hạng có cải thiện, năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2016 và tăng 8 bậc so với năm 2019); năm 2022 đạt 61,26 điểm, giảm 1,81 điểm so với năm 2020 và 2,07 điểm so với năm 2021, xếp hạng thứ 59/63, giảm 18 bậc so với năm 2020 và 2021.

Ngày 9/5/2024, PCI của 63 tỉnh, thành phố trong nước được công bố; trong đó, tỉnh Quảng Trị đạt 63,23 điểm (tăng 1,97 điểm so với năm 2022). Điểm mới của PCI năm 2023 là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ công bố và xếp hạng top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm; các tỉnh, thành phố còn lại chỉ công bố điểm số các chỉ số thành phần và không xếp hạng.

Đối chiếu 8/10 chỉ số thành phần của PCI liên quan trực tiếp đến chất lượng đạo đức công vụ, năm 2023 so với năm 2022: có 4 chỉ số tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường đạt 7,43 điểm, tăng 0,5 điểm; Tiếp cận đất đai đạt 6,47 điểm, tăng 0,71 điểm; Tính minh bạch đạt 6,09 điểm, tăng 0,15 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,42 điểm, tăng 1,61 điểm; tăng 0,29 điểm.

4 chỉ số giảm điểm gồm: Chi phí thời gian đạt 6,86 điểm, giảm 0,49 điểm; Chi phí không chính thức đạt 6,57 điểm, giảm 0,39 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 4,65 điểm, giảm 0,75 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 6,3 điểm, giảm 0,41 điểm. Như vậy 2 chỉ số thành phần gán trọng số cao nhất là 20% bao gồm Tính minh bạch và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều tăng.

Một số giải pháp, khuyến nghị

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa cách thức truyền thông đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành pháp luật, quy chế làm việc trong thi hành công vụ liên quan đến chỉ số PCI; truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số này trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tầm ảnh hưởng của đạo đức công vụ trong cải thiện PCI.

Thứ hai, chú trọng hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tác động đến các chỉ số thành phần, nhất là với các chỉ số thành phần có gán trọng số lớn, các lĩnh vực cấu thành chỉ số PCI; tập trung khắc phục các chỉ số thành phần xếp hạng thấp, các chỉ số giảm sâu so với những năm trước.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính.

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức xác định việc nâng cao đạo đức công vụ góp phần cải thiện chỉ số PCI thực chất trọng tâm là cải thiện chất lượng dịch vụ công; theo đó, phải được đo lường từ quản trị chất lượng dịch vụ với quy trình: đánh giá; kiểm tra, giám sát; hài hòa các mối quan hệ liên quan; đào tạo, bồi dưỡng; chế độ lương, thưởng như sau:

Đánh giá người thực thi công vụ: các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, đồng bộ cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đa chiều, toàn diện, liên tục, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức làm gốc, dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu. Phải lấy sự hài lòng của Nhân dân trong giải quyết công việc với cơ quan nhà nước làm tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ.

Kiểm tra, giám sát: kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công vụ, đạo đức công vụ bằng nhiều hình thức khác nhau như: kiểm tra, thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, một số điểm có thể thực hiện giám sát thường xuyên qua camera, lấy ý kiến Nhân dân thông qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, phiếu điều tra, khảo sát trên diện rộng,... nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về chuẩn mực đạo đức, thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc; tự đặt thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định, gây khó dễ, nhũng nhiễu, tiêu cực; không hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo quy định để người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần... Đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những trường hợp vi phạm pháp luật khi thực thi công vụ.

Hài hòa các mối quan hệ liên quan: Đảm bảo thực hiện tốt mối quan hệ của người thực thi công vụ với đối tượng được khảo sát, đối tượng có liên quan đánh giá chỉ số PCI. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ nội bộ giữa những người thực thi công vụ (quan hệ đồng cấp; cấp trên với cấp dưới, cấp dưới với cấp trên); mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đến cải thiện các chỉ số.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tăng cường cơ chế giao, khoán việc, quy trách nhiệm đến cùng; đối thoại, trách nhiệm trong tiếp công dân, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân. Lãnh đạo, quản lý đánh giá, sử dụng “đúng người, đúng việc”, phát huy sở trường của nhân viên trong công tác, từ đó hình thành ý thức tự nguyện, tự giác thực hiện đạo đức công vụ.

Đào tạo, bồi dưỡng: Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học có trình độ cao, cán bộ có trình độ công nghệ thông tin tại các cơ quan, địa phương, đơn vị để làm chủ các ứng dụng mới. Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, nhất là cán bộ cấp phòng và cấp xã, phường.

Thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử công sở; cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan, nhất là các quy định, kỹ năng mới phục vụ cho công việc. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐCP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định.

Chế độ lương, thưởng: Xây dựng chế độ lương, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để cán bộ, công chức, viên chức có thể yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cho công việc và phục vụ Nhân dân. Thực hiện hiệu quả công tác thi đua khen thưởng sau công bố kết quả chỉ số PCI nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua, khen thưởng hằng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Thái Thị Hồng Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cai-thien-pci-thong-qua-nang-cao-dao-duc-cong-vu-tai-quang-tri-nbsp-185495.htm