Cách xoa bóp chữa tắc tia sữa

Tắc tia sữa là tình trạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và tăng khả năng phải nuôi con bằng sữa ngoài...

1. Tác dụng của xoa bóp trong chữa tắc tia sữa

Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng trong bầu ngực do ống dẫn sữa bị bít tắc. Khi bị tắc tia sữa, người mẹ thường có các biểu hiện bầu ngực căng tức, nhiều lúc nóng ran và nổi các cục lợn cợn bên trong ngực do sữa dồn ứ lại, đầu vú bị nóng đỏ. Sữa ra ít khi bé bú hoặc dùng máy hút sữa dù bầu ngực đang căng đầy sữa.

Nếu tắc tia sữa không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến hiện tượng phát sốt, đau nhức ngực và buồn nôn... Để chữa tắc tia sữa, có nhiều biện pháp khác nhau, trong đó đơn giản nhất là liệu pháp xoa bóp.

Khi xoa bóp, lực tác động sẽ giúp kích thích và khai thông tia sữa. Nhờ đó giúp giảm tình trạng tắc sữa cùng các biểu hiện như sưng đau, căng thẳng do tắc sữa gây ra. Sữa chảy ra đều đặn, giúp bé bú dễ dàng và hiệu quả hơn.

Tắc tia sữa nếu không được xử lý sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và tăng khả năng phải nuôi con bằng sữa ngoài...

2. Cách xoa bóp chữa tắc tia sữa

2.1 Xoa bóp

Trước khi xoa bóp chữa tắc tia sữa, người mẹ cần chọn tư thế phù hợp sao cho bản thân cảm thấy thoải mái nhất, thường là nằm ngửa:

- Xoa lên vùng bị đau một lớp phấn rôm mỏng.

- Dùng một tay xoa nhẹ nhàng khối cứng, tay còn lại đỡ lấy bầu ngực.

- Dùng ngón giữa hoặc ngón trỏ ấn day từ đầu vú đến khối cứng và rồi lại ấn day từ khối cứng ngược trở lại đầu vú. Làm như vậy nhiều lần và sau cùng nặn đầu vú cho sữa chảy ra.

- Tiếp tục một tay đỡ vú, dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa tay kia bóp từ nhẹ đến mạnh từ gốc vú xuống tận đầu vú. Vừa làm vừa điều chỉnh cường độ tác động sao cho phù hợp. Nếu có hiệu quả, sữa sẽ dần dần chảy ra, khối cứng mềm đi và tiêu dần.

2.2 Day ấn huyệt

Để xoa bóp chữa tắc tia sữa hiệu quả, có thể kết hợp cả bấm huyệt.

-Huyệt đản trung: Day ấn huyệt đản trung trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Tiếp đó dùng hai ngón tay cái miết ra hai bên đến cạnh vú 10 lần.

Vị trí huyệt đản trung: Nằm ở điểm giữa đường nối hai đầu núm vú.

- Huyệt hợp cốc: Day ấn huyệt hợp cốc trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Vị trí huyệt hợp cốc (xòe rộng ngón tay cái, huyệt nằm ở mu bàn tay, giữa hai xương bàn tay thứ nhất (ngón cái) và xương bàn tay thứ hai (ngón trỏ) gần điểm giữa của xương bàn tay thứ hai), khi ấn có cảm giác tê tức lan về phía ngón tay út.

- Huyệt kiên tỉnh: Day ấn huyệt kiên tỉnh trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được. Vị trí huyệt kiên tỉnh (cúi đầu, xác định đốt sống cổ gồ cao nhất, huyệt nằm ở điểm giữa đường nối khe dưới đốt sống này và mỏm cùng vai).

- Huyệt tam túc lý: Day ấn huyệt túc tam lý trong 2 phút.

Vị trí huyệt túc tam lý: Vuốt bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

3. Lưu ý khi xoa bóp chữa tắc tia sữa

Bên cạnh việc xoa bóp bầu ngực, có thể kết hợp chườm ấm để gia tăng hiệu quả thông tia sữa. Trước khi thực hiện massage bầu ngực, bạn nên chườm khăn ấm hoặc túi chườm (với nhiệt độ khoảng 40 độ C) lên ngực trong khoảng 15 phút. Điều này sẽ giúp các mạch máu được giãn nỡ, các cục sữa vón nhanh chóng mềm và dễ tan hơn.

Cùng với đó, nên cho con bú ngay sau khi xoa bóp giúp giảm bớt cảm giác căng tức và khó chịu. Bạn nên thực hiện xoa bóp bầu ngực khoảng 2 - 3 lần/ngày, kết hợp cho con bú lập tức có thể giúp mẹ tiết nhiều sữa hơn và bé được bú nhiều hơn.

Để phòng ngừa tình trạng tắc tia sữa, cần:

Sau sinh, cho con bú càng sớm càng tốt, bú theo nhu cầu của con.
Chỉnh khớp ngậm đúng để bé bú được nhiều sữa mẹ và sữa được rút cạn trong bầu ngực ở mỗi cữ bú.
Nếu mẹ nhiều sữa, hãy hút sữa sau khi bé bú để làm cạn bầu ngực, tránh tình trạng sữa dư thừa gây tắc.
Thường xuyên massage ngực để tránh dồn ứ sữa.
Sau mỗi lần cho con bú, hãy vệ sinh bầu ngực sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.

Mời bạn đọc xem thêm:

BS. Nguyễn Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-xoa-bop-chua-tac-tia-sua-169240510112542873.htm