Cách phòng tránh để không bị lừa bởi chiêu trò sao chép giọng nói, khuôn mặt

Lừa đảo tinh vi bằng sao chép giọng nói, khuôn mặt đang là hình thức lừa đảo tinh vi và rất nguy hiểm, vậy cần làm gì để bảo vệ bản thân?

Với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), các thủ đoạn lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn. Kẻ gian không chỉ đóng giả mạo danh tính qua điện thoại mà còn sử dụng công nghệ AI để sao chép giọng nói, khuôn mặt của người thân, bạn bè để đánh lừa nạn nhân.

Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), thủ đoạn phổ biến là tạo ra tình huống khẩn cấp để khiến nạn nhân hoảng loạn và đưa ra quyết định vội vàng. Kẻ gian sẽ thu thập thông tin cá nhân những người thân của bạn từ mạng xã hội, sau đó sử dụng AI để mô phỏng giọng nói, khuôn mặt của họ. Sau đó, chúng sẽ liên lạc với bạn, giả vờ gặp tai nạn, cần tiền để cấp cứu hoặc giải quyết vấn đề khẩn cấp khác.

Chiêu trò lừa đảo sao chép giọng nói, gương mặt bằng AI đang rất phổ biến.

Nhiều người đã sập bẫy trò lừa đảo gian xảo này vì tin rằng người thân của mình đang thực sự gặp nguy hiểm. Sau đó, họ vội vàng chuyển tiền cho kẻ gian mà không kịp kiểm chứng thông tin. Hậu quả là họ không chỉ mất tiền mà còn có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo tiếp tục trong tương lai.

Để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo tinh vi này, bạn cần lưu ý một số điều sau:

1. Cẩn trọng với những cuộc gọi khẩn cấp

Khi nhận được cuộc gọi từ người thân với giọng điệu hoảng loạn, hãy bình tĩnh và kết thúc cuộc gọi càng sớm càng tốt. Sau đó, hãy liên hệ trực tiếp với người thân qua số điện thoại quen thuộc hoặc gặp mặt trực tiếp để xác minh thông tin.

2. Tạo mật mã riêng

Hãy tạo một mật mã riêng chỉ bạn và người thân, bạn bè thân thiết mới biết. Khi nhận được cuộc gọi đáng ngờ, hãy yêu cầu người gọi nói mật mã. Nếu họ không trả lời được hoặc trả lời sai, hãy cúp máy ngay lập tức.

Trong trường hợp kẻ lừa đảo phát hiện ra chiến thuật này, bạn có thể thay đổi bằng cách phát âm sai từ đó.

3. Cảnh giác với yêu cầu chuyển tiền

Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ ai qua điện thoại, đặc biệt là khi bạn chưa xác minh được thông tin. Nếu người thân thực sự cần tiền, hãy gặp mặt trực tiếp để trao đổi và hỗ trợ.

4. Cập nhật thông tin an ninh mạng

Nâng cao kiến thức về an ninh mạng và thường xuyên cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới. Chia sẻ thông tin này cho người thân, bạn bè để cùng nhau phòng chống lừa đảo hiệu quả.

Đào Hoàng

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/cach-phong-tranh-de-khong-bi-lua-boi-chieu-tro-sao-chep-giong-noi-khuon-mat-210795.html