Các 'ông lớn' FDI kiến nghị gì với Chính phủ trong hội nghị sáng nay?

Các doanh nghiệp FDI đánh giá cao những thành công mà Việt Nam đã có được trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tuy nhiên đặc biệt khuyến nghị nhiều vấn đề về môi trường, thủ tục hành chính, lao động.

Sáng 19-3, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn - Ảnh: Ngọc Diệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn - Ảnh: Ngọc Diệp

Tại sự kiện ngày hôm nay, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như người đứng đầu một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam, đồng thời hướng đến thu hút FDI xanh từ nước ngoài.

Doanh nghiệp FDI khuyến nghị ưu tiên các nguồn năng lượng sạch

Đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và có ảnh hưởng lớn cần phải lưu tâm.

 Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định việc sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược - Ảnh: VGP

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định việc sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược - Ảnh: VGP

Cũng theo ông Fluit, để làm được điều này, Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than.

Với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào của Việt Nam, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo này và việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển đổi sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Các vấn đề về rác thải và thiếu nước cũng có thể được giải quyết với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mặc dù có tiến bộ trong việc triển khai luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường thực thi các quy định về chất thải và thúc đẩy việc dùng nhựa phân hủy cho đến khi nhựa được loại bỏ về cơ bản, chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Đại diện cho phía cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng đưa ra khuyến nghị về việc ưu tiên các nguồn năng lượng sạch.

Theo ông Testerman, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài. Đồng thời để phát triển được kinh tế số, sẽ cần phải có những khung pháp lý đầy đủ cho nền kinh tế số, ví dụ như sự tiếp cận đối với dịch vụ toàn cầu.

Bảo vệ dữ liệu rất quan trọng để bảo đảm được tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng số, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, ông Testerman nhấn mạnh.

Đề xuất của doanh nghiệp FDI về nhân lực, môi trường và quản trị

Đại diện của Intel, một doanh nghiệp có lịch sử đầu tư tại Việt Nam đã gần 20 năm, giám đốc quốc gia Phùng Việt Thắng cũng đưa ra một số đề xuất. Ông Thắng cho biết phía Intel đã có những cam kết toàn cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững ví như phát thải ròng bằng không vào năm 2050, cam kết sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Vì vậy ông Thắng mong sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam dành cho Intel trong những lĩnh vực này.

 Giám đốc quốc gia của Intel - ông Phùng Việt Thắng. Ảnh: VGP

Giám đốc quốc gia của Intel - ông Phùng Việt Thắng. Ảnh: VGP

Ngoài ra, Intel đưa ra ba góp ý cụ thể với chính phủ Việt Nam. Thứ nhất là về nguồn nhân lực. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao về xây dựng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn gắn liền với phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.

Với năng lực của Intel, Intel rất mong được hợp tác với các nguồn lực từ các công ty đa quốc gia hoặc của Việt Nam để cùng đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn. Intel cũng đã khởi động chương trình đào tạo nhân lực AI tại Việt Nam với sự hợp tác của Bộ Giáo dục Đào tạo, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Intel đề xuất phía Việt Nam cố gắng tận dụng đạo luật CHIP của Mỹ. Đạo luật có dành riêng đến 39 tỷ USD để phát triển bán dẫn và một số nước đồng minh, đối tác thân cận của Mỹ có thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Đồng thời, giám đốc quốc gia của doanh nghiệp FDI có lịch sử gần 20 năm tại Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn về việc thuế tối thiểu toàn cầu đã được áp dụng. Phía Intel mong chính phủ Việt Nam sẽ có các biện pháp trực tiếp và mạnh mẽ để không chịu ảnh hưởng từ thuế toàn cầu tại Việt Nam.

Tại sự kiện ngày hôm nay, đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Stuart Livesey, CEO của Offshore Partners Vietnam cũng công bố báo cáo kết quả ESG (Môi Trường, Xã Hội ; Quản Trị Doanh Nghiệp); đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Theo báo cáo mà ông Livesey công bố, 45% doanh nghiệp FDI phản hồi muốn ưu tiên quản trị, trong đó ưu tiên hệ thống đảm bảo trách nhiệm giải trình, minh bạch. 35% doanh nghiệp cho biết đã có các mục tiêu tăng trưởng xanh. Những hoạt động hiện nay thể hiện cam kết của doanh nghiệp với nhà đầu tư, hội đồng quản trị, cổ đông. Năng lượng xanh là xu hướng không thể đảo ngược và nhu cầu trong tương lai.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải thiện hệ thống xử lý rác, quản lý rác và xử lý nước tại Việt Nam. Các nhà đầu tư tham gia diễn đàn VBF khẳng định nếu không ráo riết cải thiện hệ thống xử lý rác thải và xử lý nước, sẽ vô cùng khó trong việc thu hút các dòng vốn FDI xanh, sạch trong tương lai.

Ngoài ra, có không ít ý kiến của doanh nghiệp FDI tại diễn đàn hôm này phàn nàn về việc xin thị thực cho người nước ngoài mất rất nhiều tháng, quá nhiều thủ tục. Họ khuyến nghị cần có hỗ trợ về visa cho chuyên gia làm việc dưới 6 tháng. Ngoài ra, yêu cầu về đăng ký thường trú với cơ quan địa phương bất cứ khi nào họ đến và đi gây khó khăn.

Ngọc Diệp

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-ong-lon-fdi-kien-nghi-gi-voi-chinh-phu-trong-hoi-nghi-sang-nay-post781116.html