Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ kêu gọi Nhà Trắng áp thuế đối hàng nhập khẩu từ châu Á

Một nhóm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Mỹ đã kiến nghị lên Tổng thống Joe Biden kêu gọi áp thuế nhập khẩu đối với tấm pin nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Lý do: giá thấp đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của họ.

Theo Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Mỹ: “Ngành công nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ đang trên đà tăng trưởng vượt bậc, sẽ tạo ra việc làm và thay đổi quỹ đạo chuyển đổi năng lượng sạch của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”.

“Tuy nhiên, thời kỳ phục hưng sản xuất này đang bị đe dọa bởi chính sách công nghiệp của Trung Quốc, dẫn đến việc trợ cấp ồ ạt ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Điều này dẫn đến lượng bán phá giá lớn trên các thị trường toàn cầu bao gồm cả Mỹ, gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước của chúng tôi”, cơ quan nhấn mạnh thêm.

Ảnh minh họa: Oilprice.

Đơn thỉnh cầu là dấu hiệu mới nhất cho thấy không phải mọi việc đều ổn trong ngành năng lượng mặt trời, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.

Trớ trêu thay, đây lại chính là những nơi mà các Chính phủ đang ngày càng hào phóng hỗ trợ nhà nước cho ngành này vì đây là yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi năng lượng mà chính quyền EU và Biden đang ủng hộ.

Tuy nhiên, có vẻ như với tất cả sự hỗ trợ đó, quá trình chuyển đổi đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Theo các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á – do các công ty Trung Quốc sản xuất – năm ngoái đã vượt quá công suất lắp đặt thực tế tại xứ cờ hoa tới hơn 25 GW.

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, do sự mất cân bằng giữa cung và cầu, hiện nay số lượng tấm pin mặt trời ở Mỹ chỉ đủ dùng trong một năm rưỡi.

Đương nhiên, nguồn cung dư thừa đã dẫn đến sự sụt giảm về giá, thậm chí đến vào thời điểm tồi tệ nhất đối với các nhà sản xuất tấm pin mặt trời phương Tây ở cả Mỹ và châu Âu.

Kể từ năm ngoái, lãi suất dường như là “thủ phạm” chính gây ra những rắc rối của ngành, ngoài ra những tai ương khác có thể kể đến trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều doanh nghiệp phá sản và kế hoạch tái định cư dưới danh nghĩa sinh tồn. Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô cũng tăng, làm khó thêm cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và làm tăng thêm sự bất bình của họ đối với các tấm pin giá rẻ của Trung Quốc.

Do chịu nhiều tác động, nhiều người đã chọn mở rộng ra nước ngoài để kinh doanh. Swiss Meyer Burger, một thành viên của Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Mỹ, gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất tấm nền mới ở hai tiểu bang là Arizona và Colorado.

Giám đốc điều hành của công ty nói với Reuters: “Chúng tôi đã thực hiện một bước đi táo bạo trong bối cảnh không có bất kỳ sự hỗ trợ chính sách công nghiệp nào ở châu Âu và chuyển dự án mở rộng pin mặt trời từ Đức sang Mỹ”.

Meyer Burger không phải là công ty duy nhất tận dụng các khoản trợ cấp trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Chính phủ liên bang Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, việc Meyer Burger là một trong bảy người ký đơn thỉnh cầu gửi chính phủ liên bang đó cho thấy rằng ngay cả IRA cũng không đủ để giúp cạnh tranh với các các đối thủ Bắc Kinh.

Theo các nhà phê bình, trong đó có gần đây nhất là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, lý do là do nhà nước Trung Quốc đang trợ cấp hàng tỷ USD vào ngành này.

Thực tế, các công ty Trung Quốc và nhà nước đã nỗ lực phát triển tấm pin năng lượng mặt trời trong nhiều thập kỷ. Họ cũng có thể tận dụng nguồn năng lượng đầu vào giá rẻ từ các nhà máy điện than, giúp giảm chi phí đáng kể.

Điều này không thể lặp lại ở châu Âu, nơi giá điện đã tăng cao trong thập kỷ qua. Thậm chí ở xứ cờ hoa, giá điện rẻ hơn nhờ nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào ở địa phương.

Khánh Vy (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-san-xuat-nang-luong-mat-troi-my-keu-goi-nha-trang-ap-thue-doi-hang-nhap-khau-tu-chau-a-post293262.html