Các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài bất ngờ được… tăng lương

Theo nguồn tin của báo South China Morning Post (SCMP), các nhà ngoại giao Trung Quốc đang công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài được tăng lương đáng kể vào mùa Xuân năm nay.

Các cán bộ ngoại giao Trung Quốc phải chịu nhiều áp lực do đây là một công việc có yêu cầu rất khắt khe. (Nguồn: CGTN)

Theo đó, các mức lương được đồng loạt tăng hơn 1.000 USD mỗi tháng, được Bắc Kinh phê duyệt trong những tháng gần đây và áp dụng cho tất cả các cán bộ được bổ nhiệm làm việc tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài, không phân biệt vị trí hay cấp bậc. Trong khi đó, các cán bộ công tác trong lĩnh vực đối ngoại và ở trong nước thì không được nâng lương.

Đây là mức tăng lương đáng kể dành cho cán bộ ngoại giao Trung Quốc, trong bối cảnh các cơ quan chính phủ nước này đang tìm cách cắt giảm sâu ngân sách.

Theo ông Deng Yuwen, cựu Phó Tổng biên tập Study Times, tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương, động thái này có thể nhằm ổn định các phái đoàn ngoại giao Trung Quốc sau khi ông Tần Cương bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm ngoái.

Ông Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 6/2023 trước khi bị miễn nhiệm vào một tháng sau đó, chỉ 6 tháng kể từ thời điểm ông được Quốc hội Trung Quốc bổ nhiệm vượt cấp từ Đại sứ tại Mỹ lên thẳng Bộ trưởng Ngoại giao (ngày 30/12/2022). Thay thế ông Tần Cương là người tiền nhiệm Vương Nghị, người có cấp bậc cao hơn và là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Trung Quốc.

Theo ông Deng Yuwen, việc nâng lương này có thể là một nỗ lực nhằm trấn an các cán bộ trong ngành ngoại giao về vấn đề thay đổi người đứng đầu cũng như các tình huống có tính thách thức khác. Cựu Phó Tổng biên tập nhận định, sự thay đổi lãnh đạo có thể dấy lên lo ngại trong các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người vốn đã phải chịu nhiều áp lực do đây là một công việc có yêu cầu rất khắt khe. Những lo ngại đó có thể khiến một số nhà ngoại giao cân nhắc từ bỏ công việc, và trong những trường hợp như vậy, hướng giải quyết hợp lý nhất là có hình thức khích lệ và hỗ trợ hợp lý.

Trong khi đó, theo ông Claus Soong, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Berlin (Đức), việc nâng lương này quả thực là rất hiếm khi diễn ra vào thời điểm nền kinh tế thắt lưng buộc bụng và đối mặt với những "cơn gió ngược".

Những lo ngại có thể khiến một số nhà ngoại giao cân nhắc từ bỏ công việc, và trong những trường hợp như vậy, hướng giải quyết hợp lý nhất là có hình thức khích lệ và hỗ trợ hợp lý.

Chính phủ Trung Quốc không công bố thông tin xoay quanh lương bổng của các cán bộ ngoại giao. Có một thực tế là mức lương của những người làm công tác này khá thấp so với lao động "cổ cồn trắng" khác tại các thành phố phát triển nhất ở nước này. Cán bộ ngoại giao Trung Quốc công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài có thu nhập cao hơn những đồng nghiệp ở trong nước.

Bắc Kinh cũng thúc đẩy chính quyền các cấp hạn chế chi tiêu và “làm quen” với việc hoạt động trong điều kiện ngân sách eo hẹp trong các năm gần đây. Trong bản báo cáo công tác thường niên vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Lý Cường cho biết chính quyền trung ương sẽ thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng.

Nhìn chung, khi Trung Quốc vật lộn với việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngay cả các tỉnh giàu nhất đất nước như Giang Tô hay Phúc Kiến cũng phải cắt giảm lương và phúc lợi của người lao động trong những tháng gần đây.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Claus Soong, giới lãnh đạo Trung Quốc “tin tưởng rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài có vai trò quan trọng hơn cũng như cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn”.

Nói cách khác, theo ông Claus Soong, những người này đang trở nên hữu ích hơn trong tình hình chính trị hiện tại. Các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn đối với định hướng chiến lược của Bắc Kinh, không chỉ với quan hệ Mỹ-Trung mà còn cả các quan hệ giữa nước này với châu Âu và các nước đang phát triển khác.

Giới lãnh đạo Trung Quốc “tin tưởng rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài có vai trò quan trọng hơn cũng như cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn”.

Trong cuộc họp về định hướng chính sách đối ngoại vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cán bộ ngoại giao “có sự đột phá trong hành động”, “thu hút đa số áp đảo” trên thế giới và duy trì “tinh thần chiến đấu”.

Khẳng định Trung Quốc nắm trong tay “những cơ hội chiến lược mới”, ông Tập Cận Bình kêu gọi các cán bộ nâng cao “ảnh hưởng, sức hấp dẫn và quyền lực quốc tế” của đất nước.

Qua các thông tin này, có thể hiểu tại sao ông Claus Soong cho rằng, vai trò ngày càng tăng của hoạt động ngoại giao trong việc định hướng chiến lược tổng thể của Trung Quốc có thể được thể hiện qua sự gia tăng đáng kể trong ngân sách ngoại giao năm nay.

Cụ thể, theo báo cáo ngân sách chính phủ Trung Quốc, ngân sách ngoại giao của nước này trong năm nay được ấn định ở mức 194 tỷ NDT (khoảng 26,8 tỷ USD) - tăng hơn năm ngoái khoảng 23%, cao hơn so với mức tăng chi tiêu quân sự (tăng 7,2% so với năm 2023).

Ngoài quyết định tăng lương nói trên, các nhà ngoại giao Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài cũng không bị ảnh hưởng bởi quyết định giảm 5% số lượng cán bộ, nhân viên làm việc trong các tổ chức đảng và nhà nước năm nay.

Hải Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nha-ngoai-giao-trung-quoc-o-nuoc-ngoai-bat-ngo-duoc-tang-luong-268542.html