Các nghệ sĩ Liên Xô từng hợp tác với cơ quan tình báo

Trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai, một số nhà văn, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ Liên Xô nổi tiếng đã tham gia hoạt động tình báo. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản họ tỏa sáng trên sân khấu hay tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Làm việc cho cơ quan tình báo, các nghệ sĩ Liên Xô đã sử dụng tài năng của mình phục vụ lợi ích của dân tộc, chiến công của họ nhiều khi không hề thua kém chiến công của những nhà tình báo thực thụ.

Nữ ca sĩ Nadezhda Plevitskaya: Bắt cóc tướng Bạch vệ

Nữ ca sĩ Nga chuyên hát các bài dân ca và tình ca, người sở hữu giọng nữ trung mezzo-soprano, Nadezhda Plevitskaya, từng làm việc cho các cơ quan tình báo Liên Xô. Sau cuộc Nội chiến, bà sống lưu vong ở Paris.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Kursk, từ năm 16 tuổi, bà làm việc trong rạp xiếc, sau đó bà hát trong dàn hợp xướng ở Kiev. Muộn hơn, Nadezhda gia nhập đoàn múa ba lê và kết hôn với vũ công Edmund Plevitsky, nghệ sĩ độc tấu của Nhà hát Warsaw.

Nữ ca sĩ Nadezhda Plevitskaya.

Năm 1909, nữ ca sĩ Nadezhda Plevitskaya được ca sĩ opera Leonid Sobinov chú ý tại một hội diễn ở Nizhny Novgorod. Ông mời bà biểu diễn tại Nhạc viện Moscow, sau đó, nữ ca sĩ làm quen với rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ thủ đô. Bà kết bạn với ca sĩ opera Shalyapin và nhà thơ Aleksandr Blok; Hoàng hậu Aleksandra Fyodorovna đã tặng bà một chiếc trâm vàng sau khi nghe bà biểu diễn, còn Hoàng đế Nikolay II đã khóc khi nghe bà hát.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, Nadezhda Plavitskaya không bao giờ quên cội nguồn của mình. Bà đã làm rất nhiều công việc từ thiện và trợ giúp những người đồng hương của mình. Trong Thế chiến thứ nhất, cùng với người chồng thứ hai, Trung úy Shangin, bà đã ra mặt trận và làm y tá trong một bệnh viện. Sau cách mạng, trong một chuyến lưu diễn, bà bị quân Bạch vệ bắt và rời nước Nga cùng họ.

Năm 1921, bà kết hôn lần cuối cùng với thiếu tướng Nikolay Skoblin. Bà sống ở Pháp và ở Đức, thỉnh thoảng đi biểu diễn ở Mỹ.

Nadezhda Plevitskaya bắt đầu hợp tác với các cơ quan tình báo Liên Xô vào năm 1930. Một trong những chiến công nổi bật của bà là cùng với chồng tham gia vụ bắt cóc tướng Bạch vệ Miller, vì thế bà bị người Pháp bắt giữ năm 1937 và bị kết án 20 năm lao động khổ sai. Tổng thống Pháp từ chối ân xá cho bà và Nadezhda Plevitskaya chết trong tù năm 1940. Chồng bà, Thiếu tướng Nikolay Skoblin mất tích không rõ nguyên nhân.

Nữ điệp viên Margarita Vorontsova.

Nhà văn Yulian Semyonov: Điệp viên 007 của Liên Xô

Cha đẻ của nhân vật “Shtirlitz”, nhà văn Yulian Semyonov, không bao giờ che giấu mối quan hệ của mình với các cơ quan tình báo Liên Xô. Được biết, thầy giáo dạy tiếng Pashto trẻ tuổi (một ngôn ngữ ở miền Nam và Trung Á) đã được KGB chú ý vào những năm 1950. Ông thực hiện nhiệm vụ tình báo đầu tiên của Liên Xô ở Afghanistan, tiếp theo là Tây Ban Nha, Chile, Paraguay, Việt Nam và Lào. Hầu hết những gì ông viết lúc bấy giờ vẫn còn được lưu giữ trong các kho lưu trữ của KGB.

Cho đến nay vẫn chưa rõ Yulian Semyonov đã thực hiện những nhiệm vụ tình báo đối ngoại cụ thể nào, nhưng ở nước ngoài, người ta biết rất rõ về sự liên quan của nhà văn tới các cơ quan an ninh. Trước khi Liên Xô sụp đổ, mỗi lần ông đi công tác nước ngoài, báo chí tràn ngập những dòng tít “Điệp viên 007 của Liên Xô đã đến với chúng ta”.

Không được phép của Ủy ban An ninh Quốc gia, nhà văn không bao giờ có thể tiếp cận các kho lưu trữ, nơi ông thai nghén các ý tưởng văn học của mình và được truyền cảm hứng bởi chiến công của các chiến sĩ tình báo Liên Xô, và không bao giờ được đến các nước Tây Âu với tư cách là phóng viên đặc biệt của một trong những tờ báo Liên Xô.

Còn một trang tiểu sử khác của Yulian Semyonov chưa được biết đến là việc tìm kiếm ở châu Âu những bảo vật bị Đức Quốc xã đánh cắp trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, và đặc biệt là các cuộc gặp gỡ của ông với những tên tội phạm Đức Quốc xã đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trước hết, đó là Otto Skorzeny, con cưng của Hitler, một trong những nhân vật bí ẩn nhất thời hậu chiến.

Cùng với Otto Skorzeny, năm 1974, Yulian Semyonov gặp viên tướng SS Karl Wolf, kẻ chỉ ngồi tù sáu năm vì tội giết hàng trăm nghìn thường dân. Chưa chắc nhà báo đến từ một quốc gia thù địch gặp hai tên Đức Quốc xã chỉ để viết “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”. Rất có thể, đã có một sự trao đổi thông tin ở đây: có tin đồn rằng vào thời điểm đó, Yulian Semyonov đang tìm kiếm Căn phòng Hổ phách ở châu Âu. Ngay cả cái chết của nhà văn cũng là một bí ẩn: nó trùng hợp kỳ lạ với hàng loạt cái chết của những người liên quan tới việc tìm kiếm các bảo vật.

Diễn viên Mikhail Kozakov: Chuốc rượu nhà ngoại giao Mỹ

Nói chung, KGB it khi tuyển mộ giới diễn viên tham gia hoạt động tình báo và phản gián, vì cho rằng nhóm người này quá bốc đồng và dễ bị kích động. Nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, năm 1956, các phương tiện truyền thông Liên Xô viết rằng diễn viên Mikhail Kozakov, người đóng vai Pedro Zurita trong bộ phim “Người cá”, được cơ quan an ninh tuyển mộ. Lúc bấy giờ, diễn viên này đang làm việc tại nhà hát mang tên Mayakovsky. Tuy nhiên, lực lượng an ninh chú ý đến Kozakov không phải vô cớ: bố ông hình như cũng hợp tác với các cơ quan an ninh.

Nhiệm vụ đầu tiên của Mikhail Kozakov là chinh phục nhà báo Mỹ Colette Schwarzenbach. Mikhail Kozakov phải tán tỉnh được cô gái này và tìm cách tuyển mộ cô ta: Colette Schwarzenbach làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow và có thể tiếp cận được những thông tin có giá trị. Chuyện tình của họ bắt đầu nảy nở ở Sochi, nơi nam diễn viên được bố trí trong một khách sạn bên cạnh, nhưng “chiến dịch” của Mikhail Kozakov đã thất bại thảm hại vì chính ông đã đem lòng yêu cô gái Mỹ thực sự và đã kể toạc móng heo với cô ta tất cả mọi chuyện.

Tuy nhiên, sự hợp tác của diễn viên Mikhail Kozakov với cơ quan an ninh chưa dừng lại ở đó. Một lần, tại bữa tiệc ở nhà riêng của diễn viên, theo chỉ thị của các nhân viên an ninh, một trong những nhà ngoại giao Mỹ đã bị Kozakov chuốc rượu say đến bất tỉnh. Đồng thời, nhà ngoại giao Mỹ đã đánh mất một tài liệu bí mật mang theo mình. Sau sự cố này, nhà ngoại giao Mỹ buộc phải rời khỏi Liên Xô.

Nhà thơ Konstantin Simonov.

Nhà thơ Konstantin Simonov: hoạt động bí mật ở hậu tuyến

Nhà văn, nhà thơ và phóng viên chiến trường Konstantin Simonov không bao giờ giấu giếm việc ông phục vụ đất nước Xôviết. Ông không phải là điệp viên của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, nhưng trong số các nhà văn, ông luôn tuyên truyền đường lối của đảng và đấu tranh với những kẻ bất đồng chính kiến.

Là một người trung thành với chủ nghĩa Stalin, trong những năm chiến tranh, ông đã từng hoạt động bí mật ở hậu phương của quân Đức, bay cùng máy bay ném bom thành phố Berlin và nhảy dù ở vùng ngoại ô thành phố Kerch; và đã được phong quân hàm đại tá. Thế chiến thứ hai kết thúc, ông trở thành nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc tế, hoàn thành các nhiệm vụ của chính phủ Liên Xô ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Dưới thời Khruschyov, Konstantin Simonov làm phóng viên thường trú của tờ “Sự thật” ở Uzbekistan. Năm 1969, ông đưa tin về cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc trên đảo Damansky trên sông Amur. Trong ký ức của nhân dân Liên Xô, Konstantin Simonov luôn là tác giả bài thơ bất hủ “Đợi anh về”. Trong những năm chiến tranh, bài thơ này được các chiến sĩ Hồng quân chép tay nhau và gìn giữ như một báu vật.

Vợ chồng nhà điêu khắc Sergey Konyonkov: Thu thập thông tin bom hạt nhân

Hầu như không có thông tin gì về hoạt động tình báo của nhà điêu khắc Sergey Konyonkov. Năm 1923, ông rời nước Nga Đỏ, đầu tiên đến Riga, sau đó tới New York, nơi ông thành lập một salon nghệ thuật riêng và thu hút được nhiều nhà hoạt động chính trị và nhà khoa học nổi tiếng nhất của Mỹ.

Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Sergey Konyonkov trở về Liên Xô mà không gặp bất cứ trở ngại nào, thậm chí ông còn mang theo các tác phẩm điêu khắc của mình. Ở Liên Xô, ông được nhận vào một xưởng điêu khắc và làm nghề cho đến khi qua đời. Có thông tin cho rằng khi còn ở Mỹ, nhà điêu khắc thường xuyên trao đổi thư từ với Stalin và thậm chí còn gửi cho lãnh tụ những bức tranh của ông, trong đó có mã hóa gì đó. Theo lệnh của đại nguyên soái, người ta đã thuê hẳn một con tàu thủy để chở các tác phẩm của ông về Liên Xô.

Tuy nhiên, việc vợ của Konyonkov, nữ điệp viên Margarita Vorontsova, làm việc cho tình báo Liên Xô, thì ai cũng biết. Thực hiện nhiệm vụ của Cục tình báo đối ngoại thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, bà đã thu thập các tài liệu về “Dự án Manhattan” - chế tạo bom nguyên tử - và quan hệ thân thiết với nhà vật lý Mỹ nổi tiếng Albert Einstein, người thậm chí đã giúp bà hoàn thành một số “nhiệm vụ khó khăn” nào đấy. Tuy nhiên, hoạt động của Margarita Vorontsova không dừng lại ở đó. Trong chiến tranh, bà phụ trách Hiệp hội Cứu trợ Liên Xô của Mỹ và quyên góp được nửa tỷ đô la cho đất nước.

Nhà văn Mikhail Mikhalkov.

Nhà văn Mikhail Mikhalkov: Giả làm người Đức để thu thập thông tin

Từ năm 1941, nhà văn, nhà thơ, nhà báo Mikhail Mikhalkov, em trai của nhà thơ nổi tiếng Sergey Mikhalkov (tác giả phần lời Quốc ca Liên Xô) làm việc cho Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Để thực hiện nhiệm vụ tình báo, ông ở lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và nhờ trình độ tiếng Đức tuyệt vời, ông đã tự nhận mình là Volksdeutsche - một người thuộc chủng tộc Đức. Sau đó, ông đã thực hiện các nhiệm vụ được giao ở Hungary, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp; tổ chức công tác đảng phái ở Latvia.

Năm 1945, trong quân phục của một lính SS thuộc sư đoàn “Đầu lâu SS”, Mikhail Mikhalkov đã vượt qua chiến tuyến và đầu hàng Hồng quân Liên Xô, mang theo nhiều thông tin mật có giá trị. Sau chiến tranh, Mikhail Mikhalkov hoạt động trong nước, ông được phân công theo dõi nhà ngoại cảm nổi tiếng Wolf Messing suốt mười năm. Dưới bút danh Mikhail Andronov, ông đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng cho thiếu nhi, và một số tác phẩm văn học về đề tài tình báo.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cac-nghe-si-lien-xo-tung-hop-tac-voi-co-quan-tinh-bao-i710822/