Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam luôn được ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, để ngành ngày phát triển, Việt Nam vẫn cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là nhân tố con người.

Khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp cho thấy, nguồn nhân lực của ngành công nghiệp ô tô chủ yếu được cung cấp từ cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nhận thấy nhu cầu của DN ngày càng tăng, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã và đang đầu tư mạnh cho đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp cơ bản này, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã có sự hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô trong quá trình đào tạo. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng đã có sự hỗ trợ tích cực cho các trường về điều kiện đào tạo như: môi trường thực tập, trải nghiệm, các trang thiết bị máy móc phục vụ đào tạo, học bổng cho sinh viên… Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động đào tạo của các trường.

Từ năm 2010, THACO đã thành lập trường cao đẳng nghề; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề: công nghệ ô tô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, … với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.

Bên cạnh đó, THACO cùng với Sở GD&ĐT các địa phương để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp. Hợp tác, liên kết với trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo trong các hoạt động đào tạo như kiến tập, thực tập. Tuyển dụng chuyên gia từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử.

Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cũng đang đầu tư nhiều cho đào tạo nhân lực ngành ô tô, bao gồm: Chương trình Đào tạo kỹ thuật Toyota (T-TEP) được triển khai từ năm 2000 nhằm hỗ trợ công tác đào tạo chuyên ngành ô tô tại khối dạy nghề kỹ thuật, mang tới điều kiện học tập và thực hành tốt nhất cho các học viên nghề công nghệ sửa chữa ô tô. Tiếp đó là khóa học Monozukuri (Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh) được Toyota Việt Nam triển khai từ tháng 9/2005 và đến nay, 54 khóa học Monozukuri đã được tổ chức; hay Chương trình Học bổng kỹ thuật Toyota được triển khai từ năm 1997, hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Công nhân tại nhà máy VinFast Hải Phòng

Đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, phát triển công nghiệp ô tô được xem là chiến lược quan trọng và là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, các hoạt động đào tạo ngày càng được chú trọng hơn, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam. Thực tế cho thấy, các trường nghề đào tạo ngành công nghệ ô tô đã có khá nhiều, tuy nhiên chất lượng chưa đồng đều và đào tạo còn mang tính lý thuyết nên sinh viên không được thực hành và tiếp cận công việc thực tế. Điều đó khiến cho nhiều sinh viên khi ra trường còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và các doanh nghiệp phải mất chi phí và thời gian đào tạo sau khi tuyển dụng.

“Dù thị trường vẫn diễn biến phức tạp cùng với sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ, Toyota Việt Nam tin rằng nguồn nhân sự chất lượng cao luôn là yếu tố then chốt đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam”, đại diện Toyota Việt Nam cho hay.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nguồn nhân lực có thể chia ra làm 3 nhóm. Thứ nhất, nguồn nhân lực về thiết kế. Thứ hai, nguồn nhân lực về sản xuất, lắp ráp. Thứ ba, nguồn nhân lực về khối dịch vụ, sửa chữa và bảo dưỡng.

Theo ông Phúc, trong cơ cấu các trường hiện nay đang đào tạo, từ cao đẳng đến đại học, hay các trường nghề thì khối các trường đại học đào tạo tập trung chủ yếu vào thiết kế, sản xuất và lắp rắp. Bên cạnh đó, các trường cũng đã bắt đầu đưa các môn học, kiến thức về ô tô điện vào trong chương tình giảng dạy để đảm bảo sinh viên có thể nắm bắt được các khái niệm. Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm này, có thể nói rằng ô tô điện đang bùng nổ, nhưng động cơ ô tô đốt trong vẫn đang tồn tại ngoài đường, vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực về nhóm này còn rất lớn.

“Những năm gần đây, trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn chú trọng về chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, đề cao kỹ năng tự học, thực hành. Ngoài đào tạo trên lớp, chúng tôi có những dự án để các em sinh viên tham gia làm nghiên cứu cùng các thầy. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi cũng gửi sinh viên đến các doanh nghiệp để tiếp xúc dần với môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông Phúc chia sẻ thêm.

Chuyên gia ô tô Lê Trường Giang đánh giá: “Các hãng xe trong nước như Toyota, Honda, Ford, Kia, Huyndai,… tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng nguồn cung vẫn không đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như VinFast, Thaco Trường Hải, Huyndai Thành Công mở rộng quy mô sản xuất; cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều hãng xe Trung Quốc lên kế hoạch mở nhà máy ngay tại Việt Nam nên nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật ô tô sẽ tiếp tục tăng lên”.

Công nhân tại nhà máy VinFast Hải Phòng

Lê Ngà

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cac-hang-o-to-dau-tu-mo-rong-lien-tuc-tuyen-nguoi-nhung-cung-khong-du-cau-d110013.html