Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm kỷ lục trong tuần qua

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 chốt phiên 19/4 đi xuống, trong khi chỉ số Dow Jones tăng điểm.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất đang ngày một lùi xa đã khiến tâm lý trên thị trường chùng xuống.

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 211,02 điểm, hay 0,56%, lên 37.986,4 điểm, S&P 500 giảm 43,89 điểm, hay 0,88%, xuống 4.967,23 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 319,49 điểm, hay 2,05%, xuống 15.282,01 điểm.

Trước đó, trong hai phiên 16 và 18/4, chỉ số Dow Jones tăng điểm, trong khi cả hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng chung xu hướng giảm. Hai phiên 15 và 17/4 chứng khiến cả ba chỉ số chủ lực này của chứng khoán Mỹ đều chịu sức ép đi xuống.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm 3,05%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,52%, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0,01%.

Mức giảm trong tuần qua của chỉ số S&P 500 là mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 và của chỉ số Nasdaq Composite là mạnh nhất kể từ ngày 31/10/2022.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sáu phiên liếp tiếp, chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 10/2022, với chỉ số S&P 500 hiện giảm 5,46% so với mức chốt phiên kỷ lục vào ngày 28/3.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây đã phải chịu sức ép sau đà phục hồi kéo dài 5 tháng, kể từ tháng 11/2023.

Một loạt các nhân tố như: lạm phát cao vượt dự kiến; thị trường việc làm mạnh; căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đẩy giá dầu tăng và những phát biểu của các quan chức Fed, trong đó có Chủ tịch Fed Jerome Powell - đã khiến các nhà giao dịch lùi dự báo về thời điểm Fed hạ lãi suất.

Ông Oliver Pursche, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty môi giới tài chính Wealthspire Advisors, cho rằng các thị trường vẫn đang điều chỉnh sau các tín hiệu chính sách của Fed, cũng như xem xét liệu ngân hàng trung ương này có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.

Nhà phân tích Joshua Mahony tại Scope Markets lưu ý rằng các nhà giao dịch rất lo ngại do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và Fed có thể duy trì lãi suất ở mức hiện tại trong một thời gian dài hơn.

Còn chuyên gia Matthew Ryan tại công ty dịch vụ tài chính Ebury có quan điểm rằng nếu căng thẳng chính trị tại Trung Đông lan rộng, hoặc trong trường hợp xấu hơn có sự tham gia của các quốc gia khác, thì thị trường có thể sẽ chứng kiến một làn sóng tìm kiếm sự an toàn.

Lê Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cac-chi-so-chung-khoan-my-giam-ky-luc-trong-tuan-qua-20240420123055424.htm