Buôn bán dữ liệu tại Trung Quốc

Thay vì buôn bán trên chợ đen, chính phủ Trung Quốc muốn bán thông tin người dùng công khai trên các sàn giao dịch chính thống.

 Chính quyền địa phương còn dự thảo quy định buộc các cơ quan chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải bàn giao dữ liệu của họ cho sàn giao dịch. Ảnh: Business Standard.

Chính quyền địa phương còn dự thảo quy định buộc các cơ quan chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải bàn giao dữ liệu của họ cho sàn giao dịch. Ảnh: Business Standard.

Theo FT, Trung Quốc đang nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của thị trường ngầm chuyên rao bán thông tin doanh nghiệp. Thị trường này ra đời do các công ty tránh hoạt động trên những sàn giao dịch chính thống, vốn kiểm soát rất chặt việc buôn bán thông tin.

Đòn đánh mạnh vào Tencent, Alibaba

Ở Trung Quốc, chính quyền các địa phương đã thành lập 48 sàn giao dịch được nhà nước hậu thuẫn. Hầu hết trong số đó được ra đời ngay sau khi chính phủ quốc gia tỷ dân đặt dữ liệu là nguồn lực ưu tiên hàng đầu vào năm 2020. Dưới sự giám sát, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân có thể mua và bán dữ liệu về mọi thứ, từ thông tin thời tiết đến lưu lượng giao thông trong thành phố.

Tuy nhiên, vẫn chưa có cú huých nào thúc đẩy các công ty tham gia vào những sàn giao dịch non trẻ này. Do đó, hầu hết hoạt động mua bán dữ liệu vẫn diễn ra ngoài thị trường ngầm.

“Chúng tôi đang gặp khó trong việc thu hút doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch do nhà nước hậu thuẫn,” một nhân viên giấu tên tại sàn trao đổi dữ liệu cho biết. Một báo cáo do Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải công bố vào tháng trước dự báo đến năm 2025, chỉ có 10% doanh số bán dữ liệu đến từ sàn giao dịch chính thống.

 Dữ liệu người dùng trở thành một mặt hàng buôn bán ở Trung Quốc. Ánh: AcuityMag.

Dữ liệu người dùng trở thành một mặt hàng buôn bán ở Trung Quốc. Ánh: AcuityMag.

Theo FT, sự ra đời của các sàn giao dịch là một phần trong kế hoạch tăng cường khả năng kiểm soát dữ liệu của chính phủ. Đây là đòn đánh mạnh lên các công ty Internet như Tencent và Alibaba vốn bành trướng và thu về lợi ích kinh tế nhờ kho dữ liệu tiêu dùng khổng lồ suốt 2 thập kỷ qua.

Kể từ năm 2021, các Big Tech này đã phải chịu phạt vì vi phạm dữ liệu. Không chỉ vậy, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc còn được quyền siết chặt quản lý về cách các công ty thu mua, quản lý và lưu trữ dữ liệu.

Chuyên gia quản lý dữ liệu Xiang Li biết kể từ động thái năm 2020 biến dữ liệu thành một yếu tố sản xuất, “chính phủ Trung Quốc đã đặt dữ liệu lên bàn cân như một thứ có thể được mua bán qua lại”. Mục đích của quốc gia này là nâng cao năng suất bằng cách cấp quyền cho các công ty truy cập vào dữ liệu và cho phép họ sử dụng AI trong mọi tác vụ từ sản xuất thông minh đến lái xe tự động.

Theo báo cáo của Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải, giá trị dữ liệu được mua bán ở Trung Quốc dự kiến tăng từ 88 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD) vào năm ngoái lên 516 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) vào cuối thập kỷ này khi AI ngày càng phổ biến.

Dè chừng vì thiếu minh bạch

Sóng, các chuyên gia cho rằng chính phủ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thuyết phục các công ty tư nhân bán dữ liệu của họ trên các sàn giao dịch tập trung thay vì thông qua môi giới dữ liệu.

Theo Kendra Schaefer - Giám đốc mảng chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China, phần lớn dữ liệu hiện có được bán trên các nền tảng này đến từ các cơ quan chính phủ, bao gồm các cơ quan vận tải, dự báo thời tiết địa phương hoặc từ các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc thuyết phục họ chuyển giao dữ liệu sẽ dễ dàng hơn so với các công ty tư nhân.

Phân tích của FT chỉ ra có 700 tổ chức bán dữ liệu trên Sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương. Nhưng phần lớn là từ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Chính quyền tỉnh Quý Châu cũng đã đưa ra dự thảo quy định buộc các cơ quan chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải bàn giao dữ liệu của họ cho sàn giao dịch.

Theo báo chí Trung Quốc, các công ty như China Southern Power Grid đã bán dữ liệu tiêu thụ điện của khách hàng trên sàn giao dịch Quý Dương cho các cơ quan tín dụng. Những thông tin này được sử dụng như công cụ mới để kiểm tra tín dụng người dùng.

 Các sàn giao dịch dữ liệu liên tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia buôn bán nhưng bất thành vì vẫn còn mập mờ mặt pháp lý. Ảnh: SCMP.

Các sàn giao dịch dữ liệu liên tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia buôn bán nhưng bất thành vì vẫn còn mập mờ mặt pháp lý. Ảnh: SCMP.

Các thức giao dịch dữ liệu như trên sẽ giúp các công ty, chính quyền địa phương thiếu tiền mặt và các doanh nghiệp nhà nước có thể kiếm tiền từ nguồn tài nguyên dữ liệu giữa bối cảnh kinh tế chậm tăng trưởng. Các sàn giao dịch chính thức ở Quý Dương, Thượng Hải và Bắc Kinh đang cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích các công ty tham gia.

Theo chuyên gia Schaefer, ngay cả với những ưu đãi như vậy, các công ty vẫn tỏ ra dè chừng do lo ngại vi phạm quy định hạn chế bán dữ liệu người tiêu dùng. “Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử kỳ lạ. Các công ty mua bán thông tin người dùng như một nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng. Nhưng các điều luật quy định hoạt động giao dịch nguồn tài nguyên này lại không tồn tại”, chuyên gia nhận định.

Một nhân viên giấu tên của sàn giao dịch thừa nhận rằng sự mập mờ về mặt pháp lý này đã khiến ít doanh nghiệp tham gia giao dịch. “Luật dữ liệu hiện tại không quy định cụ thể về tính hợp pháp của việc trao đổi dữ liệu”, người này cho biết.

Nói với FT, Schaefer cho rằng chính phủ Trung Quốc thúc đẩy các công ty tham gia vào sàn giao dịch chính thống bằng cách liên tục quảng cáo rằng đây là cách tốt nhất để kiếm thêm doanh thu từ nguồn tài nguyên dữ liệu. “Nhưng trên thực tế, để đưa dữ liệu lên nền tảng là một quá trình rất nhiều rủi ro và tốn kém. Lợi ích của các công ty nhận được không hề minh bạch”, chuyên gia tại công ty tư vấn Trivium China nhận định.

'

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-buon-du-lieu-cua-trung-quoc-post1451464.html