Buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra nhức nhối

Hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vì hám lợi vẫn tiếp tục các hoạt động mua bán, vận chuyển ĐVHD. Đáng nói hơn nữa là không ít người dân vì thiếu hiểu biết đã mua bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD dẫn tới phải lãnh án phạt nặng.

Tang vật vụ án mua bán trứng vích (rùa biển) tại Côn Đảo. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên

Tang vật vụ án mua bán trứng vích (rùa biển) tại Côn Đảo. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên

24 tháng tù, hơn 1 tỷ đồng tiền phạt vì 4 quả trứng rùa

Cuối tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp và một đối tượng môi giới về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Trước đó, tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, đối tượng Lê Thị Chi (sinh năm 1992, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã nhờ Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1997, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển. Thông qua Tuấn, Lương Kiều Tính (sinh năm 1980, trú tại phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - được biết đến là đối tượng chuyên buôn bán trái phép trứng rùa biển đã bán cho Chi 5 quả trứng rùa biển với giá 250.000 đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh năm 1975, trú tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cất số trứng này vào vali của bà Hoa để đưa về đất liền. Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ tại cảng hàng không Côn Đảo. 4 trong 5 quả trứng trên được xác định là trứng vích.

Với các hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã nhận được những bản án thích đáng. Cụ thể, đối tượng Lương Kiều Tính nhận bản án 12 tháng tù. Đối tượng Đỗ Thị Lệ Hoa cùng con dâu Lê Thị Chi bị xử phạt lần lượt 500 triệu đồng và 550 triệu đồng. Tài xế taxi Phạm Anh Tuấn nhận bản án 12 tháng tù, nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách 24 tháng. Trước đó, cuối tháng 1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tuyên phạt 30 tháng tù cho một đối tượng tại Côn Đảo, vì có hành vi tàng trữ trái phép 29 quả trứng rùa biển ngâm rượu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vích (Chelonia mydas) là một trong 5 loài rùa biển có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Huyện đảo Côn Đảo tự hào là “bãi đẻ” lớn nhất của vích tại Việt Nam. Mỗi năm, có hàng trăm cá thể vích đến các bãi biển ở Côn Đảo để đẻ trứng. Hành vi mua bán trứng rùa biển đã xâm hại, gây hậu quả nghiêm trọng tới công tác bảo tồn loại động vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới.

Thực tế, dù khung pháp lý về xử lý tội phạm ĐVHD của Việt Nam đã được hoàn thiện với những khung hình phạt rất nghiêm khắc, nhưng hoạt động của tội phạm ĐVHD vẫn diễn ra nhức nhối. Một số đối tượng vẫn còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật với những lỗi vi phạm liên tiếp. Đơn cử như đối tượng Nguyễn Thành Phương, chủ một tiệm trang sức trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xử phạt 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” vào ngày 2/4.

Cuối tháng 12/2022, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và tịch thu một lượng lớn sản phẩm ngà voi, cùng một số móng gấu và móng ĐVHD khác tại cửa hàng trang sức của Nguyễn Thành Phương trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Vào thời điểm khám xét, Phương bỏ trốn, nhưng đã bị bắt giữ vào tháng 9/2023. Đáng chú ý, vào tháng 9/2021, đối tượng Phương đã từng bị xử phạt 18 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép hơn 2kg sản phẩm ngà voi, nhưng vẫn thể hiện thái độ coi thường pháp luật và tiếp tục hoạt động kinh doanh trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD.

Lợi dụng đường mòn, lối mở vận chuyển ĐVHD

Ngày 17/4, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 4 đối tượng vận chuyển trái phép 132 cá thể ĐVHD ngoại lai. Cụ thể, Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Cao Bằng) và Phạm Thế Phúc (trú tại tỉnh Hưng Yên) lần lượt nhận mức án 5 năm và 8 năm tù vì hành vi buôn bán ĐVHD trái phép. Hai lái xe Cao Huy Cường (sinh năm 1982) và Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1992, đều trú tại tỉnh Cao Bằng) đã bị xử phạt lần lượt là 6 năm tù và 60 triệu đồng.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tịch thu chim hoang dã bị buôn bán. Ảnh: Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tịch thu chim hoang dã bị buôn bán. Ảnh: Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam

Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 26/2/2023, cơ quan chức năng Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra 3 xe ô tô, phát hiện và tịch thu 132 cá thể ĐVHD ngoại lai, trong đó, có 75 cá thể vẹt cổ hồng, 10 cá thể vẹt xám châu Phi, 5 cá thể vẹt mào vàng, 16 cá thể chồn Meerkat và nhiều loài ĐVHD ngoại lai khác.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), với vị trí giáp ranh biên giới Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, Cao Bằng đang dần trở thành tuyến đường vận chuyển quan trọng bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép từ Việt Nam sang các quốc gia láng giềng và ngược lại.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ENV đã ghi nhận khoảng 10 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD phát hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Phần lớn vụ án được phát hiện tại các khu vực giáp ranh biên giới Trung Quốc hoặc trên đường đến các khu vực gần cửa khẩu. Trong một vụ án tương tự vào tháng 10/2023, Công an tỉnh Cao Bằng cũng đã phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 463 cá thể ĐVHD ngoại lai. Vụ án hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.

“Trong bối cảnh nhiều đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép đang bắt đầu chuyển hướng vận chuyển sang Cao Bằng, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cao Bằng cần sớm triển khai các giải pháp toàn diện và đồng bộ để ngăn chặn Cao Bằng trở thành một điểm nóng mới của hoạt động vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép. ENV mong rằng, các cơ quan tố tụng tại Cao Bằng cũng như các địa phương giáp biên giới sẽ nêu cao tinh thần quyết tâm trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD và áp dụng những bản án nghiêm khắc mang tính răn đe cao cho các đối tượng phạm tội để góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD” - bà Hà chia sẻ thêm.

Tình trạng vận chuyển và buôn bán ĐVHD trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Theo ENV, để xóa bỏ triệt để tình trạng này, cần tiếp tục phát hiện, bắt giữ và có các bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD nhằm cảnh tỉnh và tạo tính răn đe những đối tượng đã và đang có ý định trục lợi từ ĐVHD.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/buon-ban-dong-vat-hoang-da-van-dien-ra-nhuc-nhoi-post475764.html