Bước ngoặt cho quan hệ thương mại Trung Quốc-Australia

Đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy mối quan hệ Australia-Trung Quốc đang được hàn gắn, song vẫn chưa rõ liệu bước tiếp theo trong thương mại song phương có tiến triển tốt đẹp hơn hay không.

Thu hoạch lúa mạch tại một trang trại ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thu hoạch lúa mạch tại một trang trại ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang mạng abc.net.au, mối quan hệ giữa Australia-Trung Quốc trong những ngày qua đã đạt được bước ngoặt với việc Ngoại trưởng Australia Penny Wong tuyên bố Chính phủ liên bang Australia chấp thuận ngừng kháng cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế quan mà Trung Quốc áp đặt đối với sản phẩm lúa mạch của Australia ngay trước khi WTO đưa ra phán quyết về vụ việc.

Trong khi những người nông dân và các nhà xuất khẩu Australia hoan nghênh rộng rãi động thái trên, vẫn chưa rõ liệu bước tiếp theo trong quan hệ thương mại về lúa mạch có tiến triển tốt đẹp hơn hay không.

Australia "tạm thời đình chỉ" kháng cáo lên WTO

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, Chính phủ Liên đảng Australia tiền nhiệm đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Sau đó, Trung Quốc đã áp đặt mức thuế 80% đối với lúa mạch của Australia, làm tê liệt hoạt động thương mại trị giá tới 1,5 tỷ AUD (khoảng hơn 1 tỷ USD) mỗi năm. Cáo buộc “bán phá giá” trên có nghĩa là những người nông dân Australia bán lúa mạch với giá rẻ hơn chi phí sản xuất.

Sau khi áp đặt các mức thuế tương tự đối với rượu vang, cấm một số cơ sở sản xuất thịt và tạm dừng nhập khẩu gỗ, than và tôm hùm của Australia, vào cuối năm 2020, Trung Quốc đã cố định mức thuế 80% đối với lúa mạch của Australia trong vòng 5 năm.

Australia quyết định thực hiện kháng cáo vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là lần đầu tiên Australia đưa ra quyết định này đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của mình.

Đó là một quá trình tốn kém và lâu dài. WTO hoạt động như một trọng tài độc lập và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào bất kỳ thời điểm nào - được dự đoán rộng rãi là có lợi cho Australia. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ Australia đã quyết định đình chỉ kháng cáo.

Chính phủ Australia cho biết, Trung Quốc đã cam kết tiến hành "đánh giá nhanh" các mức thuế đối với ngũ cốc của Australia trong ba tháng tới, đổi lại Australia sẽ "tạm thời đình chỉ" việc kháng cáo lên WTO trong cùng thời gian này.

Phía Australia lạc quan tin rằng Trung Quốc sẽ xem xét chấm dứt áp thuế quan và tạo điều kiện để Australia bắt đầu các hoạt động giao dịch lúa mạch với Trung Quốc một cách nhanh chóng. Nếu điều đó không xảy ra, Australia cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên WTO.

Cho tới nay, Chính phủ Australia cho biết, họ muốn giải quyết trực tiếp tranh chấp với Trung Quốc và tuyên bố “quyết định đình chỉ kháng cáo” là một hành động thiện chí.

Kỳ vọng vào sự phục hồi xuất khẩu lúa mạch

Giả sử Trung Quốc quyết định hạ mức thuế đối với lúa mạch trong 3 hoặc 4 tháng tới, các thương nhân buôn ngũ cốc cho biết, xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc có thể hồi phục rất nhanh, với nhiều hợp đồng có thể chốt trước Giáng sinh năm nay.

Ước tính những người trồng ngũ cốc ở Australia đã chịu thiệt hại từ 30-40 AUD/tấn (khoảng 500 triệu AUD/năm) trong xuất khẩu lúa mạch làm thức ăn chăn nuôi sau khi Trung Quốc áp đặt thuế quan.

Mặc dù Australia gặp chút khó khăn trong việc tìm thị trường mới cho lúa mạch, song Trung Quốc thường trả giá cao hơn so với bất kỳ thị trường nào khác vốn sử dụng loại ngũ cốc của này để sản xuất bia và rượu mạnh, cũng như phục vụ chăn nuôi gia súc.

Mặc dù đánh mất thị trường Trung Quốc, nhưng mùa màng bội thu và các yếu tố địa chính trị khác, chẳng hạn như tác động bởi cuộc xung đột ở Ukraine, vẫn khiến nông dân Australia có được doanh thu cao nhất trong các năm tài chính gần đây.

Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Australia (ABARES) cho biết, trong năm tài chính 2022-2023, Australia đã sản xuất vụ lúa mạch lớn thứ 3 mà nước này từng ghi nhận. Thu nhập trung bình của những người trồng trọt ở bang Tây Australia - những người phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường xuất khẩu - tăng vọt lên đến hơn 1,5 triệu AUD.

Ý nghĩa với các nhà xuất khẩu nông sản khác

Ngành công nghiệp rượu vang của Australia đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến hiện nay liên quan đến quan hệ thương mại với Trung Quốc. Ngành công nghiệp này cũng đưa ra kháng cáo tương tự lên WTO. Họ đang mong đợi nối lại hoạt động thương mại với Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Các nhà xuất khẩu tôm hùm và gỗ của Australia cũng đã bị gạt ra khỏi thị trường Trung Quốc kể từ năm 2020 do yêu cầu kiểm dịch của nước này. Trong khi đó, một số nhà cung cấp thịt của Australia cũng bị Trung Quốc áp đặt lệnh cấm vì vấn đề nhãn mác, an toàn vệ sinh và lo ngại liên quan đến COVID-19.

Điều quan trọng là Australia gần đây đã nối lại hoạt động xuất khẩu than sang Trung Quốc và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường giá trị nhất đối với thịt đỏ, sữa và lúa mỳ của Australia.

Tác động với quan hệ Australia-Trung Quốc

Trước hết, việc nối lại hoạt động giao dịch lúa mạch vẫn chưa diễn ra. Vì vậy, mọi thứ vẫn chỉ là “nếu như”.

Giả sử quay trở lại thời điểm trước đại dịch, việc nối lại hoạt động xuất nhập khẩu lúa mạch sẽ giúp cho mối quan hệ của Australia với Trung Quốc tiếp tục “tan băng”.

Đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy mối quan hệ Australia-Trung Quốc đang được hàn gắn, chẳng hạn như các cuộc gặp giữa Thủ tướng Anthony Albanese và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 vào cuối năm ngoái, cùng với các cuộc gặp cấp bộ trưởng khác.

Trong khi một số lệnh trừng phạt khác từ Trung Quốc, chẳng hạn như khiếu nại về kiểm dịch và dán nhãn, có thể được giải quyết một cách đơn giản và nhanh chóng, thì WTO được coi là một trở ngại lớn hơn nhiều.

Vì vậy, nếu các lô hàng lúa mạch của Australia có thể theo chân các mặt hàng than đá quay trở lại cập cảng Trung Quốc một lần nữa, điều đó sẽ tạo thêm động lực đáng kể cho mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Rõ ràng là mối quan hệ của Australia với Trung Quốc không chỉ là về ngũ cốc hay tôm hùm. Chính sách của Australia đối với Trung Quốc, cũng như thái độ của Trung Quốc đối với Australia, sẽ tiếp tục “dao động” theo những cam kết của Australia với các nước đối tác Thái Bình Dương, Liên minh an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và lệnh cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc.

Hiện nay, những người nông dân Australia tin rằng các hoạt động giao thương về lúa mạch sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai nước. Cách Bắc Kinh phản ứng trong thời gian đình chỉ ngắn ngủi trên sẽ phản ánh liệu họ có muốn điều đó diễn ra hay không./.

Lê Đạt (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buoc-ngoat-cho-quan-he-thuong-mai-trung-quoc-australia/288081.html