Bức tranh nông nghiệp Tiền Giang thêm nhiều mảng sáng

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành. Qua đó, góp phần chuyển biến sâu sắc diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển.NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT

Sở NN&PTNT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; về các dịch vụ công thuộc ngành NN&PTNT theo quy định pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh...

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cùng cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện Gò Công Tây đi thực tế đánh giá mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Trong năm 2023, được sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả, đồng bộ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Sở NT&PTNT cùng với sự nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn của toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Theo đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH). Cụ thể, tốc độ tăng trưởng: GRDP khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,14% (KH 3,5% - 3,8%). Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, trong đó sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 96,51%, đạt 100,01% KH.

Bức tranh nông nghiệp của tỉnh đã có thêm nhiều mảng sáng từ kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính đến hết năm 2023, có 5 xã đạt chuẩn NTM, đạt 125% KH, nâng toàn tỉnh có 142/142 xã, đạt 100% số xã trên địa bàn tỉnh. Có 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 145,5% KH, nâng toàn tỉnh có 54/142 xã, đạt 38,03 % số xã trên địa bàn tỉnh.

Có 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, đạt 100% KH, nâng toàn tỉnh có 4/142 xã, đạt 2,82 % số xã trên địa bàn tỉnh. Có thêm 2 huyện NTM gồm: Cái Bè, Châu Thành, đạt 100% KH, nâng số huyện đạt chuẩn NTM lên 6/8 huyện và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…

NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Năm 2023, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của từng vùng theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung có giá trị kinh tế cao và một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng đã được hình thành. Điển hình như vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao ở các huyện phía Tây (Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy); vùng sản xuất tập trung lúa thơm, đặc sản ở các huyện phía Đông (chủ yếu tập trung ở huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công); tiếp tục thực hiện các hiện các giải pháp khôi phục cây vú sữa, đẩy mạnh xuất khẩu trái vú sữa (rà soát mã số vùng trồng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật…); tiếp tục ổn định các vùng chuyên canh rau màu tại huyện Châu Thành…

Cùng với đó, duy trì và phát triển các vùng trồng tập trung, một số vùng chuyên canh như: Vùng sầu riêng với diện tích trên 21.000 ha, sản lượng 421,92 ngàn tấn; vùng thanh long với diện tích 8,6 ngàn ha, sản lượng 298,39 ngàn tấn; vùng bưởi với diện tích 3,8 ngàn ha, sản lượng 59,14 ngàn tấn; vùng trồng mít với diện tích 14,8 ngàn ha, sản lượng 305,1 ngàn tấn và một số vùng trồng tập trung như: Vùng sapo với diện tích 2,24 ngàn ha; vùng xoài với diện tích 2,24 ngàn ha; vùng khóm với diện tích 14,54 ngàn ha...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, từ việc thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn.

Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) được coi trọng. Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt… Kết cấu hạ tầng KT-XH ở khu vực nông thôn được tăng cường; đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi, nội đồng bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Sở NN&PTNT cũng đã tập trung chỉ đạo việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Năm 2023, tổ chức 310 cuộc tập huấn, tuyên truyền, hội nghị có 5.676 lượt người tham gia; 4 cuộc hội thảo chuyên đề có 160 lượt người tham dự; 10 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm với 290 lượt người và xây dựng, triển khai thực hiện 7 mô hình, 5 dự án khuyến nông tập trung vào các nội dung như ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, sản xuất theo GAP, hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ, chăn nuôi an toàn sinh học/ công nghệ cao, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi, quy trình sản xuất tại các vùng trồng xin cấp mã số, tiêu chuẩn ASC, kỹ thuật nuôi nghêu...

Với sự nỗ lự của toàn ngành Nông nghiệp, năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã vinh dự được Tỉnh ủy tặng nhiều Bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Theo Sở NN&PTNT, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị của tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiên cứu các giải pháp xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Tiền Giang, nhất là người dân ở khu vực nông thôn.

Triển khai thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng Mô hình HTX kiểu mới (giai đoạn 2). Đồng thời tổ chức, kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án/kế hoạch liên kết sản xuất năm 2023 trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công Tây, Tân Phú Đông.

Có 11 dự án/kế hoạch tại huyện Tân Phú Đông, TX. Gò Công, TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, Gò Công Tây, Cai Lậy được phê duyệt. Lũy kế, hiện có 14 dự án và 17 kế hoạch liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 127.773,64 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ là 20.939,3 triệu đồng.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mô hình thí điểm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025: “Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thới Sơn TP. Mỹ Tho gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sản phẩm OCOP”.

Tổ chức nhiều cuộc tập huấn, triển khai, hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, hướng dẫn Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025. Số sản phẩm OCOP không ngừng tăng lên, toàn tỉnh hiện có 252 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có quyết định công nhận 247 sản phẩm OCOP (gồm 94 sản phẩm 4 sao và 153 sản phẩm 3 sao) với tổng số 111 chủ thể tham gia...

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/buc-tranh-nong-nghiep-tien-giang-them-nhieu-mang-sang-1009206/