Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam 94% từ người hiến sống

Hiện nay, mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người... Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng...

Như Sức khỏe & Đời sống đã thông tin trước đó, sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi" tại Bệnh viện Việt Đức, nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có thư gửi các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đăng ký hiến tặng mô, tạng và nhận thẻ đăng ký từ Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đăng ký hiến tặng mô, tạng và nhận thẻ đăng ký từ Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trong thư Bộ trưởng Đào Hồng Lan viết: Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc… và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao, sánh ngang với các nước trong khu vực. Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến.

Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm. Thành công này thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành y tế Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh của các nhân viên y tế, thắp lên hi vọng hồi sinh cho người bệnh suy tạng.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành y tế, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam chủ yếu từ người hiến sống, chiếm 94%. Nguồn hiến từ người chết còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng.

Tỉ lệ đăng ký hiến mô, tạng của người dân nói chung và đặc biệt tỉ lệ hiến mô, tạng sau khi chết não của Việt Nam còn rất thấp.

"Hiện nay, mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng...

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái", trong thư Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Hiến tạng cứu người là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, biểu trưng cho truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

"Tôi mong rằng, mỗi thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế hãy tích cực học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, là tấm gương về lòng nhân ái, nhân ngày sinh của Bác (19/5).

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi", tôi kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Chúng ta hãy cùng nhau chung tay hồi sinh những mảnh đời đang mòn mỏi từng ngày chờ được ghép mô, tạng. Chúng ta hãy lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ và tin tưởng mọi nỗ lực, lòng nhân ái và tâm huyết của mỗi cán bộ y tế là một phần quan trọng góp phần xây dựng nền y học Việt Nam và tô đậm thêm truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc...

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 08 -10 người khác

Trong phát biểu tại buổi lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ: Hiện nay nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép; hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.

Trong những năm qua, ngành Y tế đã có những nỗ lực để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại một số bệnh viện tuyến tỉnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện; tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022, trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

Chúng ta đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng; tuy nhiên nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến thì hàng chục nghìn người bệnh vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi và hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo.

"Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 08 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nguon-mo-tang-hien-tang-tai-viet-nam-94-tu-nguoi-hien-song-16924051915230791.htm