Bỏ thế độc quyền của EVN: Giá điện có 'nhảy múa'?

Doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia ngày càng nhiều vào các dự án nguồn điện. Còn khâu truyền tải và phân phối vẫn do EVN độc quyền. Giá điện sẽ ra sao khi EVN không còn 'một mình một chợ'.

Gần đây, một đại biểu Quốc hội kêu gọi cần sớm chấm dứt tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện càng nhanh thì càng có lợi cho Nhà nước và người dân. Ý kiến này được nhiều người đưa ra bàn luận, nhất là khi 2 năm qua kết quả kinh doanh của EVN không khả quan.

Vậy EVN đang "độc quyền" những gì?

Không còn độc quyền phát điện, thêm rộng cửa cho tư nhân

Các số liệu mới nhất vừa được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đưa ra đã cho thấy EVN không còn độc quyền trong "sản xuất". Khâu sản xuất điện đã được thị trường hóa đáng kể.

Từ 1/7/2012, Bộ Công thương đã xây dựng và đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành với mục tiêu là phá bỏ tình trạng độc quyền của EVN trong khâu phát điện, tăng tỷ trọng nguồn điện của khu vực ngoài Nhà nước.

Tỷ lệ nguồn điện

EVN

11%

EVNGENCO1

10%

EVNGENCO2

6%

EVNGENCO3

10%

PVN

8%

TKV

2%

BOT

10%

TƯ NHÂN

42%

NHẬP KHẨU, NGUỒN KHÁC

1%

Kết quả là năm 2023, trong số gần 80.000MW nguồn điện toàn hệ thống (theo công suất đặt) thì nguồn điện tư nhân đã chiếm 42% hệ thống nguồn điện của cả nước (năm 2011 mới là 9%), nguồn điện do EVN, PVN, TKV nắm giữ là 47%.

Trong đó, EVN nắm giữ trực tiếp và gián tiếp là 37% (10% trực tiếp và 27% gián tiếp qua các Tổng công ty phát điện); TKV chiếm 2% chủ yếu là nhiệt điện, PVN chiếm 8% chủ yếu là điện khí và thủy điện nhỏ.

Có thể thấy, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam đã có thay đổi lớn, trong đó nguồn điện do các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, nắm giữ đang giảm dần; Nguồn điện tư nhân ngày càng tăng đáng kể và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.

Như vậy, EVN không còn "độc quyền" nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc đầu tư phát triển ngành điện nói chung và phát triển nguồn điện nói riêng chắc chắn phải huy động ngày càng nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân. Vì vậy, tỷ trọng và vai trò của EVN trong phát điện sẽ ngày càng giảm; Thị trường phát điện sẽ ngày càng cạnh tranh hơn.

PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Hiệp hội Năng lượng, kêu gọi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất kinh doanh điện.

"Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nói chung và doanh nghiệp ngành điện là tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các doanh nghiệp ngành điện cần xây dựng lộ trình cổ phần hóa và giải pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ", ông Duệ nêu quan điểm.

Vẫn độc quyền truyền tải, phân phối

Khâu sản xuất điện không còn do EVN "một mình một chợ", song khâu truyền tải và phân phối vẫn còn mang tính độc quyền. Đây cũng là căn nguyên của việc mỗi lần kết quả kinh doanh không khả quan, EVN luôn chịu những chỉ trích nặng nề.

Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) là Tổng công ty thuộc EVN được Nhà nước giao thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện theo Điều 40, Luật Điện lực.

Những năm gần đây, một số nhà đầu tư tư nhân đã được Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải và bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành như trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư (theo phương án bàn giao cho EVN quản lý và không yêu cầu hoàn trả chi phí). Song, đây chỉ là dẫn chứng rất ít ỏi, không đáng kể nếu so với toàn bộ hệ thống lưới điện xương sống của quốc gia.

Tỷ lệ %

EVN

90

TỔ CHỨC KINH DOANH KHÁC

10

"Giá truyền tải điện hiện nay là rất thấp, khoảng 85-100 đồng/kwh, chiếm chưa đầy 5% giá bán lẻ điện bình quân. Với mức giá đó, mọi phương án đầu tư có sử dụng vốn vay đều không thể hoàn vốn", ông Nguyễn Đình Cung nêu một trong số nguyên nhân khó có thể xã hội hóa khâu truyền tải.

Cùng với truyền tải, EVN vẫn đang độc quyền khâu mua và bán điện. Hiện nay, EVN đang chiếm lĩnh khoảng trên 90% thị phần bán lẻ điện năng trên cả nước, phần còn lại do các tổ chức kinh doanh điện khác thực hiện.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019. Một trong những mục tiêu là xóa bỏ vị thế độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện từ các nhà máy điện, thêm vào đó đã có thêm các đơn vị mua buôn điện khác ngoài EVN tham gia thị trường điện. Song đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được vì 5 đơn vị mua buôn điện ngoài EVN đều là các tổng công ty điện lực 100% vốn của EVN.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dù rục rịch từ lâu nhưng đến nay vẫn còn rất mông lung, khó hoàn thành mục tiêu. Nếu có thị trường bán lẻ điện, khách hàng được lựa chọn đơn vị cung cấp điện, đàm phán và ký hợp đồng với đơn vị bán lẻ điện, các đơn vị bán lẻ điện cạnh tranh bán điện cho khách hàng sử dụng điện, thay vì chỉ có duy nhất EVN như hiện nay.

Giá điện cao hơn khi điều chỉnh theo thị trường

Mỗi khi nhắc đến thị trường bán lẻ điện cạnh canh, chuyên gia năng lượng Bùi Xuân Hồi đều tỏ ra hoài nghi. Bởi nút thắt chính được ông Hồi nhắc lại nhiều lần chính là cơ chế điều chỉnh giá điện còn chưa theo thị trường.

"Nếu giá bán lẻ điện còn chưa phản ánh tín hiệu thị trường, vấn đề xóa bỏ bù chéo còn chưa thực hiện được thì ngay cả thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh cũng là điều khó thực hiện chứ nói gì đến thị trường bán buôn hay bán lẻ điện", ông Bùi Xuân Hồi bày tỏ.

Giá điện bán lẻ bình quân

2009

948,5

2010

1058

2011 (lần 1)

1220

2011 (lần 2)

1304

2012 (lần 1)

1369

2012 (lần 2)

1437

2013

1508

2014

1508

2015

1622

2017

1720

2022

1864

2023

1920

Theo ông Bùi Xuân Hồi, sẽ không dễ dàng để thay đổi từ điều hành giá gần như hoàn toàn theo các mục tiêu điều hành vĩ mô sang điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết không thể thực hiện.

"Điều kiện tiên quyết" ở đây là cải tổ giá điện theo thị trường. Đây cũng là điều khiến ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, băn khoăn khi nghĩ về tương lai ngành điện. Bởi theo chuyên gia này, giá điện hiện nay mang tính bao cấp còn khá nặng nên mức giá khá thấp, trong khi mấy năm gần đây chi phí giá thành sản xuất điện tăng rất cao.

Rõ ràng, những đòi hỏi của người dân về việc phá bỏ thế độc quyền của EVN trong các khâu là chính đáng. Song tác động thế nào đến giá điện khi EVN hết độc quyền là điều cần tính đến. Đó là điều được TS Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý khi một số bộ phận cấu thành trong giá thành điện đang được định giá thấp hơn mức giá thị trường. Nếu tính đúng, tính đủ theo giá thị trường thì giá điện có thể còn cao hơn mức người tiêu dùng phải trả như hiện nay.

"Tâm trạng xã hội và quan điểm chính sách về giá điện như hiện nay không còn phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Bởi vì, thế hệ các nhà máy phát điện sắp tới đây sẽ có chi phí đầu tư cao hơn với các nguồn điện đắt hơn và kém ổn định hơn. Thêm vào đó, chi phí truyền tải điện cũng sẽ phải điều chỉnh tăng lên. Như vậy, giá điện có thể buộc phải điều chỉnh tăng với biên độ cao hơn, thường xuyên hơn so với hiện nay", TS Nguyễn Đình Cung lưu ý.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-the-doc-quyen-cua-evn-gia-dien-co-nhay-mua-192231101160729637.htm