Bổ sung quy định lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ đủ 18-70 tuổi

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (BVANTT) ở cơ sở đã quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

Phát huy tối đa vai trò của công an cấp xã

Sáng 15/11, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (BVANTT) ở cơ sở.

Theo ông Lê Tấn Tới, có ý kiến đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ độc lập cho lực lượng này và nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã, cơ quan công an cấp trên bảo vệ hiện trường khi vụ án hình sự xảy ra tại cơ sở; bổ sung quy định trách nhiệm liên đới của công an cấp xã khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban đã nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở, nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này; đồng thời xác định rõ trách nhiệm liên đới của công an cấp xã là: “Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi.

Về việc này, ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban QPAN tiếp thu và đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung và quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

Đồng thời chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Không tăng về số lượng và tổng kinh phí

Có ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”. Theo Thường trực Ủy ban QPAN, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không đúng với quy định của pháp luật Hình sự về trường hợp đã được xóa án tích và pháp luật Xử lý vi phạm hành chính về trường hợp hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính; đồng thời chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, Thường trực Ủy ban QPAN kính báo cáo và đề nghị cho phép giữ quy định này như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Có ý kiến băn khoăn về việc khi Luật này được ban hành thì có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước; do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng và hoàn thiện các quy định có liên quan của dự thảo Luật nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người.

Về nội dung này, sau khi có yêu cầu của UBTVQH, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành Tổ bảo vệ ANTT và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chính phủ giải trình.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-sung-quy-dinh-luc-luong-bao-ve-an-ninh-trat-tu-co-so-tu-du-18-70-tuoi-post1587147.tpo