Bổ sung Kết luận giám sát của Thường trực HĐND buộc phải thi hành

Theo quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chỉ có nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, Thường trực HĐND phải trình HĐND để ra nghị quyết giám sát, khi đó cơ quan chịu sự giám sát mới buộc phải thực hiện. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang kiến nghị cần bổ sung Kết luận giám sát của Thường trực HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành.

Bảo đảm kịp thời trong thực hiện kiến nghị sau giám sát

Theo Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành hoạt động giám sát đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hoạt động của HĐND các cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo tại Trường THPT Việt Yên số 2. Ảnh: Ngô Thắng

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo tại Trường THPT Việt Yên số 2. Ảnh: Ngô Thắng

Đáng chú ý, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm yêu cầu của đoàn giám sát, dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát còn có những hạn chế, khó khăn. Trên thực tế, chất lượng, hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát nhiều nội dung còn hạn chế, nhiều nội dung chậm hoặc chưa được quan tâm xử lý. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục kiến nghị nghiên cứu để có quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị giám sát của HĐND.

Bên cạnh đó, quy định về hiệu lực giám sát của Thường trực HĐND còn hạn chế, không phù hợp với vai trò, vị trí của Thường trực HĐND và không đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 89, chỉ có nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Tức là, các kết luận giám sát (chuyên đề hoặc giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường trực) của Thường trực HĐND không có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, Thường trực HĐND phải trình HĐND (tại kỳ họp thường lệ hoặc chuyên đề) để ra nghị quyết giám sát, khi đó cơ quan chịu sự giám sát mới buộc phải thực hiện. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND.Vì vậy, cần bổ sung Kết luận giám sát của Thường trực HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành.

Phát huy vai trò “cánh tay” đắc lực của HÐND, Thường trực HÐND

Nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và HĐND địa phương nói riêng là thể hiện “ý Đảng, lòng Dân", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành yêu cầu: HÐND tỉnh, huyện trên địa bàn tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó chú trọng công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề. Thực hiện tốt phương châm: giám sát thường xuyên phải toàn diện, giám sát chuyên đề phải có trọng tâm, trọng điểm.

Cần tăng cường TXCT theo chuyên đề để lắng nghe, thu thập và tiếp thu được nhiều ý kiến từ chính các cử tri - những người chịu sự tác động trực tiếp hoặc thụ hưởng từ các chính sách đặc thù nghị quyết của HÐND sẽ ban hành. Chú trọng thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để bảo đảm các kiến nghị của cử tri được giải quyết căn bản, thấu đáo đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được giao.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: hoạt động của các Ban HĐND phải thực sự chuyên nghiệp, phát huy vai trò “cánh tay” đắc lực của HÐND, Thường trực HÐND trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phân công. Báo cáo thẩm tra của các Ban phải khẳng định được sự cần thiết, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của HÐND; phải là nguồn cung cấp thông tin cho đại biểu trong quá trình thảo luận, quyết nghị bảo đảo tính khả thi, tính thực tiễn của nghị quyết được ban hành. Hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cần được chú trọng hơn, phát huy vai trò, vị trí công tác của từng đại biểu để tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý và việc thực hiện nghị quyết của HÐND đã ban hành.

Cùng với đó, cần bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của HÐND, trọng tâm là hoạt động giám sát. Trong đó, lưu ý: cơ sở vật chất, phòng làm việc, phương tiện bảo đảm, đặc biệt là bố trí lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố làm công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ hoạt động của HĐND, tránh coi trọng hoạt động của UBND mà bỏ qua hoặc không bố trí cán bộ để thực hiện nhiệm vụ của HĐND.

NGUYỄN ÁNH - TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bo-sung-ket-luan-giam-sat-cua-thuong-truc-hdnd-buoc-phai-thi-hanh-i342563/