Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở giáo dục đại học về đề án tuyển sinh

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024.

Thí sinh tham dự thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức - sáng 11/5/2024.

Thí sinh tham dự thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức - sáng 11/5/2024.

Tại văn bản trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo (CSĐT) ban hành đề án, quy chế tuyển sinh của CSĐT. Mỗi CSĐT được gán 1 mã số và cấp một tài khoản (tên truy cập và mật khẩu).

Các CSĐT khi đăng nhập Hệ thống phải cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin và chịu trách nhiệm về dữ liệu, thông tin đưa lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Đề án tuyển sinh của CSĐT phải cung cấp đầy đủ, đúng cấu trúc, định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong đó lưu ý:

Thứ nhất, thông tin phải dễ hiểu, rõ ràng để thí sinh không nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 của Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT với phương án tuyển sinh riêng của CSĐT;

Thông tin rõ ràng về tên các CSĐT; tuyển sinh vào phân hiệu của CSĐT với CSĐT tại trụ sở chính; giữa các chương trình đào tạo của CSĐT; việc áp dụng quy định về điểm ưu tiên cho tất cả phương thức xét tuyển đúng quy định của Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Lưu ý không được yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên Hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp thí sinh đăng ký vào các CSĐT Công an, Quân đội);

Thứ hai, đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong Hệ thống với các thông tin trong đề án tuyển sinh như: mã CSĐT, mã chương trình/ngành/nhóm ngành, mã phương thức xét tuyển và trong các thông báo tuyển sinh.

CSĐT có thể tự quy định mã phương thức xét tuyển và thông báo cho thí sinh biết, tuy nhiên cần phải tham chiếu đến danh mục mã các phương thức xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định

Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của toàn hệ thống;

Thứ ba, CSĐT phải rà soát thẩm quyền, điều kiện mở ngành và duy trì hoạt động ngành đào tạo; chỉ công bố tuyển sinh những ngành được mở đúng thẩm quyền và đủ điều kiện theo quy định;

Thứ tư, CSĐT tiếp tục rà soát, thực hiện kiểm định chương trình đào tạo đảm bảo đúng quy định tại khoản 5, Điều 33 và khoản 3, Điều 50 của Luật giáo dục đại học;

Thứ năm, CSĐT xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh đúng quy định, đúng với số lượng chỉ tiêu đã đăng ký trên hệ thống (đối với các CSĐT đã bị xử lý vi phạm thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định không lớn hơn chỉ tiêu của năm trước liền kề đồng thời phải trừ thêm số lượng đã tuyển vượt theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền nếu chưa được khấu trừ vào chỉ tiêu ở các năm trước của CSĐT và chỉ được công bố chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GD&ĐT xác định theo quy định hiện hành);

Thứ sáu, CSĐT chịu trách nhiệm giải trình về đề án tuyển sinh với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án tuyển sinh. Đề án tuyển sinh của CSĐT phải đăng trên trang thông tin điện tử của CSĐT (tại trang chủ), đồng thời phải gửi về Bộ GD&ĐT ngay sau khi đăng để phục vụ công tác hậu kiểm;

Thứ bảy, trước và trong thời gian tuyển sinh tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: chỉ tiêu, ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có); các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có);

Thứ tám, việc điều chỉnh đề án tuyển sinh phải bảo đảm đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào CSĐT. Ví dụ: CSĐT mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên Hệ thống nghiệp vụ với Hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của CSĐT...

Thứ chín, cập nhật đề án tuyển sinh đã điều chỉnh lên Hệ thống để tổ chức tuyển sinh, báo cáo và phục vụ cho công tác hậu kiểm;

Thứ mười, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT các CSĐT điều chỉnh và công khai mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau trên trang thông tin điện tử của CSĐT và cập nhật vào Hệ thống.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-luu-y-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-ve-de-an-tuyen-sinh-post683177.html