Bình Thuận: Xe dù, bến cóc tung hoành

Chỉ trong khu vực một phường tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nhiều 'xe dù, bến cóc' đã hoạt động rầm rộ, đón trả khách gây ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Doanh nghiệp vận tải Trung Nga cho xe khách đăng ký trong bến vào văn phòng đón khách.

Nghịch lý xe "bến" mở thêm "bến cóc"

Tại thành phố Phan Thiết, đường Tôn Đức Thắng (từ đoạn Nguyễn Tương đến Nguyễn Trãi, phường Phú Thủy) dài khoảng 500m nhưng có đến 4 doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động. Vào giờ cao điểm, dù có biển cấm đỗ theo giờ nhưng các doanh nghiệp vẫn cho xe khách đậu tràn lan. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp hoạt động đón trả, rước khách giống y như xe trong bến.

Xe khách Phương Trang vào trong văn phòng trên đường Võ Văn Kiệt để đón, trả khách.

Tương tự là trường hợp 2 doanh nghiệp vận tải Trung Nga và Phương Trang. Trong nhiều ngày, 2 doanh nghiệp này lại đón, trả khách tại văn phòng thay vì vào bến.

Văn phòng Phương Trang chỉ cách bến xe vài trăm mét nhưng lại đón trả khách tại đây mà không vào bến.

Đặt xe đi Thành phố Hồ Chí Minh của doanh nghiệp vận tải Trung Nga, chúng tôi được giải thích: Sẽ có nhiều khung giờ để lựa chọn. Xe sẽ chở khách đến một khu vực tại thành phố Thủ Đức rồi mới tiến hành trung chuyển vào trong đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1). Được biết, các doanh nghiệp đều đăng ký lộ trình với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoạt động, như vậy là doanh nghiệp đã chạy sai lộ trình đăng ký.

Xe khách Trung Nga đăng ký trong bến nhưng lại ra văn phòng đón, trả khách.

Trong vai hành khách, chúng tôi đặt vé từ thành phố Phan Thiết đi Thành phố Hồ Chí Minh qua tổng đài doanh nghiệp Nam Hải và được nhân viên tư vấn số giường, chuyến đi cụ thể theo từng giờ. Đặt thành công qua tổng đài, phóng viên được một xe trung chuyển đến tận nhà đón ra văn phòng trên đường Tôn Đức Thắng. Tại đây, hành khách phải thanh toán tiền vé là 200.000 đồng/lượt. Xe chạy thẳng đến Thành phố Hồ Chí Minh; tại đây, doanh nghiệp thả khách xuống một bãi đậu ô-tô trên thành phố Thủ Đức.

Xe Cao Lâm đón trả khách tại văn phòng trên đường Đỗ Hành.

Sau đó, xe trung chuyển chở hành khách vào đường Phạm Ngũ Lão (quận 1). Tương tự, doanh nghiệp Tâm Hạnh, Hạnh Cafe cũng tư vấn cùng phương thức hoạt động, nhưng địa điểm trả khách tại Thành phố Hồ Chí Minh là các bãi đậu ô-tô khác nhau. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, những doanh nghiệp sẽ tăng chuyến.

Sau khi phản ánh “bến cóc”... lúc ẩn lúc hiện

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang ra quân xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia giao thông, xử lý triệt để “xe dù” cần phải có hai đầu là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận ra quân đồng loạt. Nhiều lần, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các tỉnh, thành phố khác ra quân xử lý quyết liệt, đồng bộ hai địa phương thì “xe dù, bến cóc” hy vọng mới xử lý được.

Doanh nghiệp Nam Hải đậu, đón trả khách công khai trên đường Tôn Đức Thắng.

Ngay sau khi Báo Nhân Dân phản ánh với ông Nguyễn Đức Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thì các doanh nghiệp Tâm Hạnh, Hạnh Cafe, Nam Hải đã hạn chế việc đón khách trên đường Tôn Đức Thắng mà thay đổi địa điểm khác. Các doanh nghiệp Trung Nga, Phương Trang đã cho khách vào bến.

Hai doanh nghiệp vận tải nằm gần nhau trở thành một "bến cóc".

Ông Nguyễn Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị thường xuyên xử phạt các doanh nghiệp vận tải hoạt động không đúng với quy định. Bên cạnh đó, sau khi Báo Nhân Dân phản ánh, sở tăng cường lực lượng thanh tra kiểm tra, xử lý, đồng thời mời các doanh nghiệp vận tải lên ký cam kết hoạt động đúng chức năng đăng ký. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Nga, doanh nghiệp Phương Trang bắt buộc phải vào bến đón khách. Đối với doanh nghiệp Tâm Hạnh, Nam Hải, Hạnh Cafe đăng ký hoạt động trong Thành phố Hồ Chí Minh nên Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã mời lên ký cam kết không đón khách tại văn phòng.

Đối với xe khách trong bến chạy sai lộ trình, trong định kỳ thanh tra doanh nghiệp, Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện theo kế hoạch như: kiểm tra thời gian lái xe, lộ trình, vượt quá tốc độ. Đối với lỗi vi phạm sai lộ trình, khi trích xuất dữ liệu, sở chỉ có thể phạt chung cho doanh nghiệp chứ không phạt riêng từng xe; đối với lỗi vi phạm tốc độ là tước phù hiệu…

Xe Tâm Hạnh vừa trả khách, vừa đưa hàng xuống.

Đưa ra giải pháp lâu dài, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, sở cũng đã vận động nhiều doanh nghiệp vào bến xe hoạt động như Trung Nga, Cao Lâm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ý kiến với Sở Giao thông vận tải những bất cập trong quá trình vận tải hành khách. Đơn cử, cao tốc hoạt động đã rút ngắn thời gian giữa các tỉnh, thành phố nhưng các bến xe lại đặt ngược hướng, di chuyển quá xa.

Xe Hạnh Cafe đang cho khách lên để đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đang kiến nghị với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm một điểm đón, trả khách gần cao tốc. Ngoài ra, sở cũng đang tham mưu với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi những nghị định, thông tư trong hoạt động lĩnh vực vận tải phù hợp hơn với điều kiện thực tế; đồng thời cơ quan chức năng thuận lợi xử lý, kiểm tra có hiệu quả hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-thuan-xe-du-ben-coc-tung-hoanh-post806872.html