Bình Phước: Người dân vùng biên phải trầy trật tìm nguồn nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày

Người dân tại huyện biên giới tỉnh Bình Phước phải trầy trật tìm nguồn nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cũng như tưới tiêu cho cây trồng.

Trong những ngày qua tại dự án định canh, định cư Tiểu khu 42 thuộc thôn 10, xã biên giới Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), nhiều hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán kéo dài.

Bà con nơi đây đa phần là người dân tộc thiểu số. Người dân tại huyện biên giới này phải trầy trật tìm nguồn nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cũng như tưới tiêu cho cây trồng.

Nhiều hộ gia đình phải mua nước sạch sinh hoạt với giá 60.000 đồng/mét khối.

Thôn 10 có 169 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ gia đình đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Những hộ dân thiếu nước chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dự án định canh, định cư.

Hồ chứa nước tại xã biên giới Bù Gia Mập đang cạn dần nước.

Nhiều tháng nay, giếng đào của hộ gia đình ông Điểu Xrới đã không còn nước sử dụng. Nắng hạn kéo dài, gia đình ông Xrới thường xuyên phải lấy nước các ao, hồ để sử dụng. Nhưng nay các ao, hồ đã cạn kiệt dần và không đảm bảo vệ sinh.

Ông Điểu Xrới cho biết: “Nắng nóng năm nay kéo dài nên giếng đào của gia đình tôi đã cạn nước. Người dân trong thôn hiện đang thiếu nước nên đã phải đi lấy nước ở ao, hồ và mua nước của hàng xóm có giếng khoan. Thời điểm này, nước ao, hồ để giặt giũ. Còn nước ăn uống gia đình tôi phải đi mua".

Ông Điểu Xrới (áo trắng) dù sử dụng rất tiết kiệm nhưng 1 khối nước cũng chỉ sử dụng được 2 ngày. "Dân ở đây thiếu nước nhiều lắm. Như nhà tôi mua nước người ta 60.000 đồng/bồn. Mà cây cối cũng khô hết rồi, không có nước tưới nữa, múc trong ao, dưới suối cũng không được. Giờ mong muốn nhà nước quan tâm giúp dân", ông Điểu Xrới nói.

Tại Tiểu khu 42, một số nguồn suối đã cạn, hồ đang cạn dần nên nhiều hộ gia đình ở đây phải mua nước với giá cao. Gia đình bà Thị Danh, hơn 1 tháng qua phải đi mua nước để sử dụng trong gia đình với giá 60.000 đồng/mét khối.

Bà Thị Danh cho biết, mua một khối nước sử dụng tiết kiệm được khoảng 3 ngày. Ở đây cũng có công trình nước sạch tập trung, nhưng mấy năm nay đã không hoạt động nữa. Mùa này, người dân khó khăn về nước sạch. Người dân ở đây mong muốn nhà nước hỗ trợ thêm để đỡ khổ trong mùa hạn.

Ngay tại Tiểu khu 42, công trình cấp nước tập trung được thiết kế xây dựng phục vụ trên 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiếu số được cấp nhà, đất để ổn định đời sống.

Năm 2020, công trình cấp nước tập trung được cải tạo, nâng cấp nhưng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn thì ngưng lại. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng đào. Một số hộ có điều kiện kinh tế khá hơn đầu tư đào giếng khoan. Năm nay mùa khô kéo dài nên nhiều hộ dân có giếng đào đều cạn.

Bồn nước sinh hoạt cấp nước sinh hoạt tập trung tại tiểu khu 42 đã ngừng hoạt động nhiều năm. Đến nay, nhà xử lý nước đã khóa cửa, cây cỏ mọc um tùm. Nhiều bộ phận của công trình có dấu hiệu xuống cấp bị gỉ sét, đổi màu.

Bà Trần Thị Lan, Trưởng thôn 10 cho biết, công trình này đã đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn thì ngưng hoạt động, do người dân không đóng đủ tiền điện nên bị điện lực tạm ngưng cấp.

"Nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cây trầm trọng. Giếng khoan hay giếng đào cũng đều đã hết nước. Hiện tại, chỉ còn vài nhà có nước, san sẻ cho các hộ dân xung quanh cùng sử dụng. Nhiều lúc có gia đình mấy ngày không có nước tắm, cực kỳ là khó khăn", bà Trần Thị Lan cho biết thêm.

Khoan giếng, cấp nước miễn phí cho người dân

Trong khi đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) cũng đã diễn ra gần 2 tháng qua. Hồ chứa nước thôn Bù Rên cũng đã gần như trơ đáy.

Từ tháng 3 đến nay, UBND xã Bù Gia Mập đã cùng phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7), Đồn Biên phòng Bù Gia Mập và Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đưa những bồn nước, vận chuyển miễn phí về tận nhà cho người dân sử dụng.

Trước tình trạng thiếu nước của người dân, UBND huyện Bù Gia Mập đã triển khai khoan 2 giếng tại xã Bù Gia Mập. Giếng khoan được vận hành tự động bơm vào bồn chứa 5m3 và được nối với các van khóa để người dân thuận lợi lấy nước bất cứ khi nào có nhu cầu.

Tại xã biên giới Bù Gia Mập, người dân vui mừng khi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh miễn phí từ nước giếng khoan công nghiệp để sử dụng cho sinh hoạt.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: "Huyện ủy, UBND huyện Bù Gia Mập đã đầu tư 2 công trình nước sạch trên địa bàn để chủ động cho bà con có nguồn nước bảo đảm vệ sinh. Nguồn nước sạch đã được đưa vào sử dụng mấy ngày nay. Bà con đi lấy nước rất vui mừng khi có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng. Ngoài ra, UBND xã cũng phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con xây các hồ chứa nước cũng như lấy nước sử dụng các dụng cụ chứa tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống hàng ngày".

"Chúng tôi cũng tiếp tục kiến nghị với UBND huyện Bù Gia Mập cũng như các cấp tiếp tục quan tâm đến địa phương xã Bù Gia Mập để có những chương trình cấp nước sạch cho bà con cũng như tạo các hồ trên địa bàn để có nguồn nước ổn định cho bà con sử dụng", ông Phúc cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ơ - ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, trước tình trạng thiếu nước hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã cũng đã chỉ đạo lãnh đạo thôn 10 rà soát để đặt bồn chứa nước tại điểm tập trung nhà hộ dân.

Tuy nhiên, nhiều đường ống dẫn vào các hộ dân đã bị hư hỏng. Nếu người dân thống nhất đóng tiền điện trở lại, nhà nước sẽ hỗ trợ để sửa chữa lại giếng khoan cũng như hỗ trợ tiền điện để đưa công trình cấp nước vào hoạt động trở lại.

Địa phương cũng đang rà soát để thống kê những hộ thiếu nước sinh hoạt, có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Trước tình trạng hán hán kéo dài, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt và triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng ngân sách để tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cấp nước uống, sinh hoạt cho nhân dân vùng thiếu nước gay gắt; tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng nước đục, bẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh do dùng nước uống không hợp vệ sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền đã yêu cầu các địa phương cùng ngành chức năng phối hợp, xây dựng phương án, chủ động bố trí kinh phí nhằm đảm bảo nguồn lực tốt nhất cho công tác phòng chống hạn hán, cháy rừng. Qua đó góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết đối với quá trình sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Theo thống kê, tỉnh Bình Phước hiện có 8/11 huyện thị bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, có 3.195 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và 10.171ha cây trồng bị ảnh hưởng giảm năng suất từ 30 đến 70%. Đã ghi nhận 5 vụ cháy rừng với diện tích hơn 1,1ha.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-phuoc-nguoi-dan-vung-bien-tray-trat-tim-nguon-nuoc-sinh-hoat-a661762.html