Biết một, xin chớ nói hai

Trong chiến tranh, tin tức được đưa ra từ bất cứ bên nào cũng chủ yếu mang tính nghi binh và tuyên truyền. Phải rất cẩn trọng khi dựa vào những tin tức đó để bình luận chiến sự...

- Lắm khi người thật sự giỏi trong một số ngành nghề đòi hỏi các kỹ năng thực tế, trong đó có làm báo, là những người không có học hàm, học vị, vì họ luôn luôn bận tối mặt tối mũi với công việc chuyên môn thường nhật của mình, nên không thể có thời gian đi trả bài cho những lý thuyết...

- Đôi khi phải trò chuyện với rất nhiều nhân chứng mới may ra có thể dựng lại một sự thật gần gụi với sự kiện đã diễn ra... Cũng như phải đọc rất nhiều cuốn hồi ký khác nhau của những người đương thời mới may ra hiểu đúng được một thời đại...

- Người bất mãn với hiện tại luôn muốn sử dụng những điển tích lịch sử để nhiếc móc chính quyền đương đại, lắm khi say mê đến mức không buồn nghĩ tới những bài học lịch sử về cách thức mà các vua chúa thời trước đối xử với những nhân vật nói lời "nghịch nhĩ". Người quá thấm nhuần bài học "phải giữ cho đầu còn trên vai" thì lại dễ bị rơi vào trạng thái nhát gan và khôn lỏi... Nhưng đó cũng là "chuyện thường ngày" ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng có những bài học riêng dành chung cho mọi thành viên, để không bị nước ngoài xuyên tạc, lôi kéo và đồng hóa. Nhớ những bài học đó cũng là một cách tiêm "vắc-xin tinh thần" để gìn giữ nền độc lập... Và có lẽ đó cũng là lý do để không buông việc truyền thụ kiến thức lịch sử quốc gia ở trường phổ thông?

- Có những việc làm như một cách nghỉ ngơi,

Có những nỗi buồn chỉ là nơi tĩnh dưỡng...

Có sự cô đơn càng làm ta đông đúc

Với trập trùng ký ức đẫm yêu thương...

- Đúng là với chữ thì không thể khinh suất…

Bởi lẽ, có con chữ ta cứ tưởng là vinh dự của ta nhưng thực ra lại là nỗi xấu hổ của ta trong tương lai...

Bút sa, có thể nghiệp nhà tan hoang...

- Những thói quen sinh hoạt đời thường, thích thì cứ duy trì tiếp tục nhưng đừng vội nâng lên thành văn hóa... Không phải cái gì đang tạm thời phổ biến cũng là tinh hoa...

- Trong nghề làm báo, lắm khi đặt ra những câu hỏi còn khó hơn trả lời chúng ...

- Đừng tưởng ở giữa những ngôi sao thì mình cũng là sao.

Có khi mình chỉ là một hố đen trên một bầu trời đầy sao...

- Ảo tưởng về quyền lực ngỡ như mình có toàn quyền phán định về cuộc đời người khác làm tha hóa không ít người cầm bút.

Lẽ ra phải biết lo sợ, lỡ đâu ngòi bút của mình có thể làm tổn hại vô cớ đến những người khác...

- Bạn chê thì đã làm sao,

Hãy lo khi địch rào rào ngợi khen...

- Tác phẩm có thể hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng vẫn buộc được công chúng tin vào sự chân thực của nó thì mới có thể được coi là thành công. Còn nếu tác phẩm ngay cả khi chỉ thuật lại một câu chuyện có thật trong đời nhưng lại khiến công chúng nhìn ra được sự giả tạo trong đó thì đấy là một thất bại về mặt chuyên môn...

- Dịch thơ cũng là một cách làm thơ, không đơn thuần là việc thông ngôn...

- Nhà thơ luôn phải đau đầu,

Máu rơi dù ở đẩu đâu cũng buồn...

- Không phải là người từng trực tiếp làm báo trong những điều kiện cụ thể của xã hội ta thì rất khó có thể dạy dỗ các nhà báo một cách thiết thực, vì chỉ có thể nói ra những nguyên tắc sáo mòn rất đúng đắn nhưng lại rất ít khả thi trong thực tế...

- Khi ta gặp một nhà báo và rốt cuộc ta đã nhận ra đó chỉ là một kẻ viết láo, thì ta sẽ vô cùng đau đớn.

Vì nói cho cùng, ta vẫn luôn muốn nghĩ rằng, nhà báo, đó chắc chắn phải là một cái gì tử tế...

- Trong không gian mạng không phải cái gì được ưa chuộng nhất cũng nghiễm nhiên là sự thật hay điều hay lẽ phải...

- Nếu trên mạng bạn xúc phạm tới một người mà bạn chưa từng gặp trong đời thực hay bạn rủa nguyền việc mà bạn không chứng kiến tận mắt thì điều đó chỉ khiến bạn trở nên lố bịch chứ không ảnh hưởng gì tới phẩm hạnh của những đối tượng mà bạn đã sàm ngôn...

- Không phải sự trùng tu nào cũng tốt,

Không phải sự phát triển nào cũng hay…

Nâng lên hay đặt xuống đều phải cân nhắc kỹ.

Đôi khi cần phải học những thân cây, lay động nhưng không rời khỏi chỗ…

- Thiên chức của nhà báo không phải là té nước theo mưa.

Nếu không nói được điều cần phải nói thì... chuyển câu chuyện sang chủ đề khác...

- Xỉ vả nhau thì dễ, nhưng tôi không nghĩ đó là cách tốt để giúp xã hội phát triển...

- Càng làm báo lâu, tôi càng hiểu ra rằng, báo chí cũng chỉ là một trong số những nguồn tin để tham khảo...

- Những kẻ có cơ hội để nhào nặn lại quá khứ, có thể lũng đoạn hiện tại và làm biến thái tương lai… Buông bỏ việc truyền dạy những kiến thức của mình về lịch sử tức là tự treo cờ trắng trước những thế lực khác…

- Sẽ rất dở nếu ta nghĩ rằng thực sự có một nơi nào đó mà ta không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời nói của mình, dù chỉ là nói vu vơ...

Ở đâu thì câu "lời nói đọi máu" cũng vẫn đúng...

- Những điều mới mẻ đối với những người trẻ là những điều rất cũ đối với những người lớn tuổi... Phải vì thế chăng nên những người lớn tuổi luôn cần những người trẻ để làm mới mẻ lại cảm quan đã già nua của mình?

- Người viết có tri thức ở trong đầu và cảm xúc ở trong tim sẽ rất khác những người viết chỉ giỏi tra cứu thông tin trên mạng...

- Có hai việc rất nên tránh: đó là đẽo cày giữa đường và xây dựng tượng đài trên mạng xã hội...

- Xã hội lúc nào cũng hiện hữu những chuyện trái tai gai mắt.

Bàng quan thì không nên, nhưng lúc nào cũng quá bức xúc thì cũng chẳng để làm gì.

Cứ bình tĩnh mà xử lý, giúp được ai thì giúp, gỡ được bao nhiêu thì gỡ...

- Cái gì chưa rõ thì chưa nói. Đừng nói sai để gây thêm oan ức, dù chỉ là cho cái tưởng như tiểu cục!

- Chúng ta không thể sửa đổi được quá khứ, đừng tiếp tục day dứt nhau về nó.

Điều duy nhất mà chúng ta còn có thể làm để hạnh phúc là đừng lặp lại những lầm lỡ trong quá khứ và yêu nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra...

Hồng Thanh Quang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/biet-mot-xin-cho-noi-hai-i699740/