Bé tự làm tác giả với bộ sách tô màu

Độc giả nhí lần đầu tiên được tham gia vào nhiều quá trình sáng tạo một cuốn sách trong bộ 'Truyện cổ tích của chúng mình', một sản phẩm mới trong Tủ sách cá nhân hóa của Crabit Kidbooks.

Bộ sách tô màu cho trẻ. (Ảnh: Crabit Kidbooks)

“Truyện cổ tích của chúng mình” mang đến cho trẻ trải nghiệm tuổi thơ đặc biệt khi được tự làm tác giả một bộ sách.

Không chỉ đơn thuần là những tranh vẽ để trẻ tô màu, bộ sách được nghiên cứu và thiết kế chỉn chu để khuyến khích trẻ tham gia nhiều nhất vào quá trình sáng tạo một cuốn sách, nhằm thúc đẩy trí tưởng tượng, sự tự tin thực hiện hóa các ý tưởng của bản thân và niềm vui thích với việc đọc sách của trẻ.

Bộ sách “Truyện cổ tích của chúng mình” có nhiều điểm khác biệt đầy thú vị. Nếu như sách tô màu thông thường là tập hợp những tranh vẽ đơn lẻ, thì mỗi cuốn trong bộ sách này lại là một câu chuyện hoàn chỉnh với nhân vật chính – phụ, với các tình tiết truyện được kể mạch lạc và lôi cuốn.

Chẳng hạn như, trong cuốn 1, độc giả nhí sẽ “bị” biến thành người tí hon và bắt đầu chuyến du hành vào thế giới động vật kỳ bí; còn cuốn 4 mời bé tham gia chuyến thám hiểm vũ trụ trên phi thuyền Rùa vui vẻ.

Mỗi cuốn sách đều đưa ra những lời mời khuyến khích trẻ phát huy trí tưởng tượng để sáng tạo nên câu chuyện thú vị mà không lo sợ sai. Trẻ được mời tô màu cho cuốn sách từ trang bìa cho đến các trang bên trong; vẽ thêm chi tiết nhỏ để hoàn thiện các bức minh họa (như vẽ thêm con vật, bộ phận của con vật, họa tiết...). Từ lựa chọn và kết hợp màu sắc, suy nghĩ xem nên vẽ thêm những chi tiết nào, trẻ sẽ có cơ hội phát huy trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của bản thân.

Bộ truyện cho các em tập tô màu và điền câu văn.

Bên cạnh sáng tạo phần tranh, các “tác giả nhí” còn được tham gia vào khâu hoàn thiện phần lời. Thông qua hoạt động điền từ còn thiếu vào chỗ trống trong câu văn, trẻ sẽ học được cách tư duy, liên kết tranh và lời, học cách sắp xếp, ghép câu và tiếp nối câu chuyện.

Sau khi hoàn tất tranh và lời, bạn đọc nhỏ tuổi còn được đặt tên cho cuốn sách độc nhất vô nhị của mình cũng như điền tên “tác giả nhí” (hoặc một bút danh, biệt danh mà con yêu thích) lên trên bìa sách.

Không chỉ thúc đẩy sự tự tin trong việc khám phá bản thân, bộ sách cá nhân hóa “Truyện cổ tích của chúng mình” còn giúp trẻ tự tin hơn trong việc đọc. Bởi lẽ khi nhìn thấy bản thân trong cuốn sách của riêng mình, trẻ sẽ không khỏi ngạc nhiên, phấn khởi. Theo thời gian, cảm giác phấn khích này giúp trẻ cảm thấy gắn kết hơn với những gì chúng đang đọc và đang học.

Một nghiên cứu của National Literacy Trust cũng chứng minh được “việc nhìn thấy chính mình trong sách tạo ra tác động mạnh mẽ đến trẻ, khiến trẻ tin rằng chúng được chào đón bước vào thế giới văn chương”. Và khi trẻ có được “cảm giác thuộc về” ấy, đó là bước tiên quyết để trở thành một độc giả thực thụ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/be-tu-lam-tac-gia-voi-bo-sach-to-mau-post807342.html