Bầu hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã bầu hai Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND TP; đồng thời thông qua 10 Nghị quyết về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.

Thông qua nhiều Nghị quyết về đô thị, kinh tế

Ngày 19/5, kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hồ Chí Minh khai mạc. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các Sở, ngành và các đại biểu.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15. Ảnh: Tân Tiến.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15. Ảnh: Tân Tiến.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, kỳ họp thứ 15 rất quan trọng, các đại biểu thảo luận và thông qua 10 Nghị quyết về các vấn đề đô thị, kinh tế, xã hội; và 3 Nghị quyết về nhân sự.

Đại biểu dự kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X. Ảnh: Tân Tiến.

Đại biểu dự kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X. Ảnh: Tân Tiến.

Cụ thể, 10 Nghị quyết được đại biểu thông qua, gồm: về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy định nội dung, mức chi được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP;

Ban hành nội dung chi, mức chi ngân sách đối với nhiệm vụ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2030; quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP; thông qua đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương;

Quyết định chủ trương đầu tư dự án tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP; quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp cải tạo và xây dựng mới khối phòng học Trường TH Nguyễn Văn Hưởng, quận 7; về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới Trường TH Tầm Vu, quận Bình Thạnh.

TP Hồ Chí Minh dự kiến phát triển 5 phân vùng

Đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng. Đó là phân vùng đô thị trung tâm, ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là Kênh Đôi - Kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần quận 12). Tổng diện tích khoảng 17.000ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4.500.000 người.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động, được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tân Tiến.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động, được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tân Tiến.

Phân vùng đô thị phía Đông, đã thành lập TP Thủ Đức, tổng tích diện khoảng 21.000ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) 1.100.000 người.

Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc, ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn, Bình Chánh và đường Vành đai 2. Bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1.400.000 người.

Phân vùng đô thị phía Tây, ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An. Bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 840.000 người.

Phân vùng đô thị phía Nam, ranh giới phía Bắc giáp Kênh Đôi - Kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc. Bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1.200.000 người.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đọc tờ trình miễn nhiệm chức danh đối với hai Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 là ông Ngô Minh Châu và ông Dương Anh Đức.

Đại biểu bỏ phiếu bầu hai Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026, tại kỳ họp thứ 15. Ảnh: Tân Tiến.

Đại biểu bỏ phiếu bầu hai Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026, tại kỳ họp thứ 15. Ảnh: Tân Tiến.

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng thông qua Tờ trình giới thiệu để bầu hai Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026, đối với hai nhân sự: ông Dương Ngọc Hải (SN 1967, quê ở tỉnh Long An), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; bà Trần Thị Diệu Thúy (SN 1977, quê TP Hồ Chí Minh), Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động. Thông qua Tờ trình lấy phiếu bầu Ủy viên UBND TP đối với ông Võ Ngọc Quốc Thuận (SN 1967), Giám đốc Sở Nội vụ.

Sau khi trúng cử, ông Dương Ngọc Hải đại diện cho 3 nhân sự mới của UBND TP hứa sẽ làm việc hết mình, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất; đồng thời thực hiện tốt cam kết trong chương trình hành động.

Tổ chức thực hiện ngay các Nghị quyết đã thông qua

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, nói: “Đại biểu đã tích cực thảo luận, đánh giá toàn diện những nội dung liên quan và thông qua báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; và 13 Nghị quyết trong đó có 3 Nghị quyết về nhân sự, 10 Nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tặng hoa cho hai tân Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND TP. Ảnh: Tân Tiến.

Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tặng hoa cho hai tân Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND TP. Ảnh: Tân Tiến.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp này, UBND TP cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của HĐND TP vừa thông qua, đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng, cân đối bố trí nguồn lực của Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, đề nghị tiếp thu kiến nghị của Ban Đô thị để hoàn chỉnh Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ vào Nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2024 của HĐND TP, chuẩn bị đúng quy định các nội dung để trình kỳ họp của HĐND TP.

Trong đó, cần chuẩn bị chất lượng báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Báo cáo kết quả thực hiện chủ đề năm 2024; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri 6 tháng đầu năm 2024; báo cáo tình hình lập quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp các Ban của HĐND TP rà soát các Nghị quyết của HĐND TP trên một số lĩnh vực nhằm đánh giá tính khả thi, sự bất cập trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đúng luật, đáp ứng yêu cầu đặt ra của TP trong giai đoạn phát triển mới…

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bau-hai-pho-chu-tich-hoi-dong-nhan-dan-thanh-pho-ho-chi-minh.html