Bất cập trong quản lý hoạt động khai thác nước ngầm

Với nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt ngày càng tăng, việc khai thác nguồn nước ngầm cần được tính toán để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay việc quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác nguồn nước ngầm vẫn còn nhiều bất cập.

Ngày 10/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2559 phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 4 vùng với 159 khu vực hạn chế khai thác. Cùng đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 775 ngày 10/4/2021 phê duyệt danh mục vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh (gồm 55 vùng). Tuy nhiên, qua thông tin của ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh vẫn có những vi phạm. Trong đó chủ yếu là không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định; không thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô và thời gian dự kiến thi công công trình khoan nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định... Tại các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng các hộ dân tự ý khoan giếng phục vụ cấp nước sinh hoạt gia đình mà chưa thực hiện đăng ký với cơ quan chức năng.

Thành phố lạng sơn là một trong những khu vực thuộc vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ thôn Nà Chuông xã Mai Pha và phía Tây Nam xã Quảng Lạc…). Bà Trần Mai Anh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, phòng đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép, nâng cao nhận thức người dân về các quy định trong khai thác nguồn nước dưới đất; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước ngầm. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng người dân khoan giếng khai thác nước ngầm chưa thực hiện đăng ký theo quy định. Từ năm 2023 đến nay, phòng đã phối hợp với UBND phường Hoàng Văn Thụ kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp không thực hiện đăng ký khai thác nước ngầm. UBND phường Hoàng Văn Thụ đã ra quyết định xử phạt hành chính trường hợp trên với số tiền 300.000 đồng.

Tương tự thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc cũng có 2 khu vực thuộc diện phải đăng ký khai thác nước dưới đất (thị trấn Cao Lộc và thị trấn Đồng Đăng). Tuy nhiên, thực tế vẫn có hộ tự ý khoan khai thác nước ngầm khi chưa đăng ký khai thác. Chỉ khi chính quyền địa phương phát hiện, nhắc nhở, tuyên truyền thì người dân mới biết và tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy định. Từ năm 2023 đến nay, UBND thị trấn Đồng Đăng đã phối hợp phòng chuyên môn huyện thành lập tổ kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1 cá nhân với số tiền 3.000.000 đồng về hành vi không thông báo vị trí, quy mô, thời gian thi công công trình khoan nước dưới đất cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ông N.V.T, khối 7, thị trấn Cao Lộc cho biết: Gia đình khoan giếng phục vụ sinh hoạt từ năm 2015. Tuy nhiên, do không nắm được quy định nên gia đình đã không thực hiện thủ tục đăng ký khai thác. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, tôi đã hiểu rõ các quy định của Nhà nước. Thời gian tới, gia đình sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký khai thác nước ngầm theo quy định.

Không chỉ 2 huyện, thành phố trên, thực tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra tình trạng người dân tự ý khai thác nước ngầm trong vùng hạn chế khai thác mà chưa thực hiện thông báo với cơ quan chức năng. Nguyên nhân một phần do người dân chưa nắm được các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký khai thác trước khi tiến hành khoan giếng. Cùng đó, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa có tính răn đe.

Được biết, hằng năm, Sở TN&MT ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước; rà soát các đối tượng khai thác, sử dụng nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc đối tượng cấp phép, đăng ký khai thác nước dưới đất. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 4 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 48 giấy phép khai thác nước dưới đất; cấp 26 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Từ năm 2023 đến nay, sở đã thanh tra 4 đơn vị, kiểm tra 13 đơn vị về việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Qua đó phát hiện, xử phạt hành chính 1 đơn vị vi phạm với số tiền 40 triệu đồng.

Ông Phạm Anh Dũng, chuyên viên phụ trách Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: Hiện chưa có thống kê cụ thể về các công trình giếng khoan trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người dân tự ý khai thác nước ngầm trong vùng hạn chế khai thác. Hoạt động khoan khai thác xảy ra chủ yếu ở các khu dân cư đông đúc, khuất sau các công trình xây dựng. Thời điểm thực hiện vào ban đêm, vì vậy việc phát hiện vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định, các hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm liên quan đến khai thác nước ngầm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất; triển khai xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh...

Để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm, thiết nghĩ ngành chức năng tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bat-cap-trong-quan-ly-hoat-dong-khai-thac-nuoc-ngam-5005328.html