Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam: Gam màu tươi sáng

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và luôn nghiêm túc xây dựng các Báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại tất cả các chu kỳ.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vừa qua, Việt Nam chính thức nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Báo cáo như bức tranh khắc họa tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên các lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III.

“Bức tranh” đó mang gam màu tươi sáng từ những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR. Tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%) và hai khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Trong “bức tranh” có nhiều chi tiết nổi bật. Đó là, nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua (từ năm 2019 đến tháng 11/2023), trong đó có nhiều văn bản luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Đó là, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm kể từ năm 2019. Đó là, mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp gắn chặt với y tế cơ sở, năng lực được nâng cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên đến 92% vào năm 2022, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,3%; 90,69% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng.

Đó còn là, mức phổ cập Internet cao, công nghệ viễn thông hiện đại với hơn 78 triệu người sử dụng Internet, 86,6 triệu số thuê bao băng rộng di động (tháng 9/2023). Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam, thường xuyên tích cực tham gia đóng góp vào việc xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng...

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh tại họp báo ngày 15/4, những dẫn chứng, con số cụ thể, cập nhật trong báo cáo khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Quá trình xây dựng Báo cáo được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân.

Việc triển khai xây dựng báo cáo diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Chính vì vậy, báo cáo cũng phù hợp với phương châm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, đó là bảo đảm sự tôn trọng, hiểu biết có đối thoại hợp tác, bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.

Thông qua việc xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV lên Hội đồng Nhân quyền, một lần nữa, chủ trương và chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển, lại được khẳng định.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-va-thuc-day-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-gam-mau-tuoi-sang-269150.html