Bảo vệ sức khỏe trẻ em, người già khi rét đậm, rét hại kéo dài

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong mùa đông năm nay với nền nhiệt có lúc dưới 10 độ C. Thời tiết giá rét ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, xương khớp, huyết áp, tim mạch… nhất là với người già và trẻ nhỏ, bởi vậy, rất cần các gia đình chủ động các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa.

Trẻ mầm non ở Trường Mầm non Bồ Lý, huyện Tam Đảo luôn được giữ ấm để đảm bảo sức khỏe khi đến trường. Ảnh: Minh Hường

Trẻ mầm non ở Trường Mầm non Bồ Lý, huyện Tam Đảo luôn được giữ ấm để đảm bảo sức khỏe khi đến trường. Ảnh: Minh Hường

Hơn 1 tuần qua, cháu Nguyễn Gia Khánh, 5 tuổi, con trai chị Đinh Thái Hà, khu hành chính 2, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên sổ mũi và ho khiến chị phải đưa con đi khám nhiều lần.

Chị Hà cho biết: Cứ thời tiết trở lạnh là cháu lại ho, sổ mũi và sốt, đợt rét này kéo dài từ Tết Nguyên đán nên thời gian điều trị cũng lâu hơn. Bởi vậy, cùng với việc cho cháu uống thuốc theo đơn bác sĩ, gia đình tôi cũng giữ ấm và dùng các biện pháp dân gian như xông hơi, uống siro thảo dược, cho cháu ăn thức ăn loãng, ấm, giàu vitamin để cháu tăng sức đề kháng nên bệnh tình cũng thuyên giảm nhiều.

Qua tìm hiểu ở các gia đình có trẻ nhỏ, phần lớn phụ huynh đã có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của con khi thời tiết trở lạnh. Tại các trường mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thời tiết giá rét kéo dài nên tỷ lệ học sinh tới trường cũng giảm nhiều hơn với với trước.

Đối với những trẻ đến trường, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường thực hiện các biện pháp giữ ấm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid – 19 cho trẻ.

Với đặc thù địa bàn miền núi, huyện Tam Đảo có nền nhiệt thấp nhất tỉnh, bởi vậy, công tác chống rét cho trẻ mầm non luôn được huyện chỉ đạo các trường đặc biệt chú trọng.

Cô giáo Trần Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Bồ Lý (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giữ ấm gắn với vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Các lớp học đều trang bị chăn, đệm ấm, lắp đặt rèm, cửa sổ chắc chắn để hạn chế gió lùa. Những hoạt động ngoài trời như trò chơi vận động, tập thể dục, hát múa đều được thực hiện ngay tại lớp.

Tủ thuốc của nhà trường bổ sung các loại vật tư y tế, thuốc phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, vitamin. Nhà trường thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở phụ huynh mặc ấm, đi tất, đeo khẩu trang cho trẻ khi đến lớp để phòng ngừa nhiễm lạnh, ho, sốt, viêm họng, phế quản…

Theo ghi nhận ở các bệnh viện, trung tâm y tế những ngày này, mặc dù số bệnh nhân nhập viện không tăng cao như những năm trước, nhưng số bệnh nhân gọi điện nhờ cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe về đường hô hấp lại tăng.

Bác sĩ Đào Thị Mai Lan, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc cho biết: Trời lạnh, các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Nếu bệnh nhi mắc trong giai đoạn này càng khó khăn khi có thể phải đối diện với tác động kép của đại dịch Covid -19.

Thông thường, trẻ bị bệnh về đường hô hấp bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Nếu là cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém, bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Các trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy hô hấp, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, các gia đình tuyệt đối không tự ý điều trị để tránh biến chứng đáng tiếc.

Bác sĩ Lan khuyến cáo: Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày rét, cha mẹ nên chú ý đảm bảo giữ ấm cho trẻ, lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu, tuy nhiên chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi; cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng; cần tránh tiếp xúc với những yếu tố kích thích xấu cho trẻ như khói thuốc lá, khói bếp và chú ý tiêm chủng đầy đủ.

Cùng với trẻ em, người già cũng là đối tượng dễ chịu tác động từ thời tiết giá rét. Theo các bác sĩ, người cao tuổi có sức đề kháng kém, nhất là với người cao tuổi mắc các bệnh lý mãn tính, các bệnh tuổi già như huyết áp, tim mạch, xương khớp, đái tháo đường…

Khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, thân nhiệt hạ nhanh chóng, làm giảm chức năng chuyển hóa của các cơ quan, nếu không chú ý phòng ngừa sẽ dẫn tới suy giảm miễn dịch, viêm nhiễm đường hô hấp và tái phát bệnh nền ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân nói chung, nhất là người già, trẻ nhỏ, mỗi gia đình cần chú ý đảm bảo đủ ấm, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ giảm sâu; chú ý đảm bảo đủ dinh dưỡng trong bữa ăn; tăng cường vitamin, khoáng chất qua thực phẩm, nhất là rau, trái cây.

Thời tiết quá lạnh, các gia đình có thể sử dụng điều hòa hoặc sưởi, nhưng cần chú ý không sưởi ấm bằng lò than, củi trong phòng kín sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc khí thải, khí CO2.

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73994/bao-ve-suc-khoe-tre-em-nguoi-gia-khi-ret-dam-ret-hai-keo-dai.html